Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM khảo sát hơn 21.600 sinh viên cho thấy, phần lớn thời gian rỗi từ 2 - 4 giờ/ngày được dành cho việc giải trí đơn thuần hơn là phát triển bản thân.
“Lướt web” mọi lúc, mọi nơi
Là tân sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), lịch học của Phạm Thu Huyền khá thưa, mỗi tuần chỉ 3 buổi đến trường. Ngoài thời gian học, những khi rảnh rỗi Huyền sử dụng mạng xã hội với mục đích giải trí, nhắn tin với bạn bè. “Em gặp gỡ, ăn uống với bạn bè, tập thể dục, thỉnh thoảng ôn lại bài và chuẩn bị bài mới. Bình thường em dùng mạng xã hội khá nhiều, lúc đi học về mệt lại nằm nghỉ rồi lướt reels (video ngắn) và bị cuốn vào xem mấy giờ đồng hồ, không thể thoát ra được”, Thu Huyền nói.
Tương tự, Ngô Quỳnh Giang - sinh viên năm nhất, Trường Đại học Luật TPHCM cũng học 1 - 2 buổi/tuần. Là sinh viên tỉnh khác đến, chưa quen nhịp sống ở thành phố nên Giang hạn chế ra ngoài hay tìm việc làm thêm.
“Em đăng ký tham gia 2 câu lạc bộ nhưng chưa được duyệt. Vậy nên ngoài thời gian học, em về nhà lướt điện thoại, nấu ăn và nhắn tin cho bạn. Em chưa biết làm gì ngoài những việc đó vì ngại ra đường cũng như giao tiếp xã hội, đồng thời chưa có thói quen lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh. Em dự định phải năm 3 mới kiếm việc làm thêm”, Giang cho hay.
Nhìn nhận thực trạng này, Lê Vũ Phương Anh - sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ, với sự phát triển của công nghệ cùng sự lên ngôi của các ứng dụng mạng xã hội, thế hệ Gen Z dễ cuốn vào vòng xoáy FOMO, sợ bị bỏ lỡ những “trend hot” (xu hướng nổi bật) hay những sự kiện “sốt dẻo”, dần hình thành thói quen sử dụng và lướt điện thoại một cách vô thức, giết thời gian.
“Các bạn vẫn xem việc giữ gìn sức khỏe là câu chuyện của tương lai. Phần lớn chọn nằm lướt điện thoại thay vì vận động hoặc hoạt động thể dục sau giờ học trên lớp. Bên cạnh đó, với thói quen sử dụng điện thoại vô thức, trong những khoảng trống rảnh rỗi như đi thang máy, trên đường, ăn cơm… vô hình trung tạo nên sự mất kết nối, kéo theo hệ lụy lớn là sự trì hoãn và ít kỷ luật, dễ mất tập trung”, Phương Anh nhấn mạnh.
Thiếu kỹ năng quản lý
Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa công bố đề án nghiên cứu mang tên “Mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM”. PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã khảo sát ý kiến của hơn 21.600 sinh viên ở các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TPHCM, bao gồm: Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Những sinh viên này đang sinh sống tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Các nhóm ngành chiếm đa số bao gồm: Kỹ thuật (24,74%); Ngôn ngữ, kinh tế - quản trị (18,43%); Công nghệ thông tin (17,47%). Theo kết quả khảo sát, phần lớn sinh viên có thời gian rỗi từ 2 - 4 giờ mỗi ngày (chiếm 66,71%); 22,95% sinh viên có thời lượng thời gian rỗi từ 1 - 2 giờ mỗi ngày và 10% sinh viên có ít hơn 1 giờ rỗi.
Khảo sát cho thấy sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất, cho thấy nhu cầu thư giãn và giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng.
Sinh viên cũng quan tâm đến việc phát triển bản thân, tuy nhiên, mức độ quan tâm này còn khá khiêm tốn so với các hoạt động khác, việc mở rộng mạng lưới xã hội không được sinh viên chú trọng nhiều. Các con số thống kê cũng cho thấy các em ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh.
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cũng chỉ ra mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học. Các phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy việc sinh viên có mục đích tích cực đối với quỹ thời gian rỗi của mình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ hài lòng về cuộc sống đại học. Người học dành ưu tiên cho “phát triển bản thân” sẽ có sự hài lòng cao hơn so với các sinh viên còn lại.
Bên cạnh đó, trải nghiệm những điều mới mẻ có tác động lớn đến hiệu quả học tập của sinh viên. Điều này phản ánh tính chất của môi trường đại học, phương pháp học tập chủ yếu là tự học, vì vậy việc tham gia vào các hoạt động mới, đa dạng giúp sinh viên mở rộng hiểu biết và phát triển kỹ năng cá nhân.
Cuối cùng, kết quả từ nghiên cứu cho thấy, sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống đại học có tác động tích cực tới khả năng tập trung trong lớp. Bên cạnh đó, yếu tố này còn làm giảm sự lo lắng về bài kiểm tra, thi cử, điểm số và áp lực khi so sánh với bạn bè.
Hội chứng tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) là trạng thái lo âu hoặc cảm giác bất an khi thấy mình đang bỏ lỡ điều gì thú vị, quan trọng hoặc hấp dẫn, đặc biệt khi nhìn thấy người khác tham gia vào các hoạt động mà mình không thể tham gia. FOMO thường xuất hiện khi sử dụng mạng xã hội, thấy mọi người chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ, thành công hoặc trải nghiệm đáng nhớ.