Quản lý dịch vụ làm đẹp: Đụng đâu vướng đó

GD&TĐ - Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp ở Hải Phòng mọc lên như nấm. Điều đáng nói, nhiều cơ sở trong số này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn triển khai nhiều dịch vụ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng khách hàng.  

Nở rộ dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: ITN
Nở rộ dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Ảnh: ITN

Hoạt động trá hình

Bà Lê Thị Thủy - Trưởng phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế Hải Phòng) cho biết: Thành phố có khoảng 100 cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ, trong đó 30% cơ sở làm tóc, đắp mặt và 70% cơ sở phun xăm.

Theo quy định, các cơ sở thẩm mỹ không phải xin phép hoạt động từ Sở Y tế mà chỉ thông báo về hoạt động của họ với Sở. Tuy nhiên, mới có 50 cơ sở chăm sóc sắc đẹp gửi thông báo hoạt động tới Sở Y tế.

Cũng theo bà Thủy, ngoài các bệnh viện lớn như Việt Tiệp, Đa khoa quốc tế, Green... trên địa bàn thành phố Hải Phòng chỉ có 4 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ như: Phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác.

Trên thực tế, mặc dù chỉ đăng ký hoạt động spa, làm đẹp thông thường nhưng nhiều cơ sở tự ý thực hiện hàng loạt những loại hình thẩm mỹ chuyên ngành như cắt mí, nâng mũi, giảm béo bằng tiêm thuốc, hút mỡ bụng…

Vụ việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện (TMV) Ngọc Dung (205, Lạch Tray, Hải Phòng) vào ngày 5/4/2019 là minh chứng cụ thể.

Mặc dù, chỉ là cơ sở chăm sóc sắc đẹp với các dịch vụ làm đẹp thông thường, nhưng TMV này đã tự ý bán thuốc cho khách hàng uống khi thực hiện thủ thuật phun môi, điều mà một TMV không được phép làm.

Sau 10 phút từ khi được nhân viên TMV Ngọc Dung cho uống 1 viên Cephalexin 500mg, 2 viên prednisolon 5mg rồi bôi mỡ tetracylin lên môi để chuẩn bị phun xăm, khách hàng bị dị ứng thuốc phải đến bệnh viện cấp cứu.

Sự việc vỡ lở, Thanh tra Sở Y tế vào cuộc. Sau khi xác định, sai phạm của TMV Ngọc Dung là cho khách hàng dùng thuốc - không đúng với phạm vi hoạt động của cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Cơ sở bị xử phạt 25 triệu đồng.

Khó bề kiểm soát

Thẩm mỹ viện Ngọc Dung bị phạt 25 triệu đồng do vi phạm quy định hành nghề. Ảnh: ITN.
Thẩm mỹ viện Ngọc Dung bị phạt 25 triệu đồng do vi phạm quy định hành nghề. Ảnh: ITN.

Bà Thủy cho biết: Hoạt động quản lý các cơ sở chăm sóc sắc đẹp có nhiều khó khăn. Do họ không phải xin phép hoạt động từ Sở Y tế. Mặt khác, những dịch vụ là đẹp hầu hết thực hiện trong phòng kín, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thường trốn tránh, không hợp tác.

Những lùm xùm liên quan đến sức khỏe của khách hàng khi thực hiện dịch vụ làm đẹp thường xảy ra ở những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép hành nghề y. Một phần do chủ cơ sở thiếu hiểu biết trong hoạt động ngành nghề, phần khác không ít cơ sở cố tình lách luật, thông qua quảng cáo truyền miệng, liên kết, giới thiệu khách hàng qua điện thoại, thực hiện lậu những thủ thuật, phẫu thuật, tiêm, bơm, chích, can thiệp xâm lấn để kiếm lời cao.

Bà Thuỷ chia sẻ: Theo định kỳ, Sở Y tế phối hợp với phòng y tế các quận, huyện tổ chức công tác thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, để đối phó với đoàn kiểm tra, các chủ cơ sở thường tránh mặt, bỏ trốn, chỉ còn các nhân viên làm việc, không xuất trình hồ sơ pháp lý về hoạt động của cơ sở.

Việc kiểm soát các cơ sở spa, làm đẹp, cũng là vấn đề nan giải xuất phát từ quy định quản lý chồng chéo giữa các ngành.

Trước đây, hoạt động này do ngành y tế quản lý, nhưng từ khi Luật Khám, chữa bệnh ra đời phát sinh những quy định riêng, các văn bản hướng dẫn cũng không giao rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý cụ thể nào, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, quản lý thị trường hay ngành y tế? Và khi xảy ra hệ lụy thì ngành y lại là đơn vị phải xử lý, đôi khi việc khắc phục hậu quả đã trở nên quá muộn.

Theo tìm hiểu, khách hàng đến cơ sở làm đẹp thường tham khảo trước các dịch vụ, giá cả. Khi đến nơi, sau lời chào xã giao, nhân viên đưa khách lên phòng để thực hiện.

Do vậy, bà Thuỷ lưu ý, người dân nếu có nhu cầu làm đẹp, đặc biệt làm các thủ thuật có tác động tới cơ thể nên tìm hiểu thật kỹ những cơ sở có uy tín và được cấp phép đầy đủ tránh “tiền mất, tật mang”.

Ngành y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, bổ sung kiến thức y khoa, pháp luật tới từng người dân, cơ sở hành nghề để nhắc nhở về ý thức, lương tâm cũng như trách nhiệm với khách hàng. Kết hợp với đó là công tác phổ biến rõ các quy định hành nghề, bổ sung thêm các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở cố tình vi phạm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ