Quản lý cơ sở GD mầm non và phổ thông: Nâng cao quyền giám sát, phản biện xã hội

GD&TĐ - Nghị định 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập tạo điều kiện để nâng cao quyền giám sát, phản biện xã hội đối với giáo dục.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lực giáo viên tại Hội thảo dành cho các nhà quản lí giáo dục  tại Vĩnh Phúc.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lực giáo viên tại Hội thảo dành cho các nhà quản lí giáo dục tại Vĩnh Phúc.

Đây là nhận định của PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn.

Theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là đơn vị sự nghiệp, được nhà nước giao thực hiện chức năng giáo dục.

Chủ trương của nhà nước nhiều năm nay là tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội; đặc biệt là giao quyền để các cơ sở giáo dục có thể chủ động ứng dụng những tiến bộ, những sản phẩm có ích, phù hợp trong hoạt động của mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra không ít bất cập của quá trình thực hiện chủ trương này.

Hằng năm, cứ mỗi dịp đầu năm học đều có những dư luận bức xúc về tình trạng lạm thu hay những quyết định của nhà trường thiếu cơ sở, thiếu trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực thi hoạt động giáo dục.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến chưa có những quy định rõ ràng về trách nhiệm (bao gồm cả quyền và trách nhiệm giải trình, cơ chế thực hiện) của cơ quản quản lí, của nhà trường.

Nghị định này đã dành một phần lớn nội dung để quy định về Thực hiện quy chế dân chủ trong quản lí các hoạt động giáo dục; Trách nhiệm giải trình trong quản lí các hoạt động giáo dục. Đặc biệt, Nghị định đã nêu rõ trong Điều 12: Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.

Theo đó, cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, học sinh, cơ quan quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật các nội dung sau:

Thứ nhất: Mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục.

Thứ hai: Hoạt động tuyển sinh, hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; bảo đảm sự tham gia của gia đình học sinh, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục.

Thứ ba: Quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng.

Như vậy, Nghị định đã nêu những nội dung được “giám sát, phản biện xã hội” cũng như trách nhiệm của cơ sở giáo dục (mà Hiệu trưởng là người đứng đầu) phải thực hiện.

“Tiếp cận trên những kết quả nghiên cứu lí thuyết và thực tiễn, chúng tôi đánh giá rất cao và dự báo rằng Nghị định tạo điều kiện để nâng cao quyền giám sát, phản biện xã hội đối với giáo dục, cũng như từ đây, chất lượng phản biện xã hội sẽ được nâng cao.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, chắc chắn hành trình “chuyển mình” của các nhà quản lí không hề dễ dàng. Chúng ta chờ đợi họ sẽ chủ động học tập các kĩ năng quản trị, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng những thành công, chung sức để nâng cao năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm của mỗi nhà quản lí – thuyền trưởng của mỗi nhà trường” – PGS Chu Cẩm Thơ cho hay.

Ngày 23/3/2021, Thủ tưởng Chính phủ đã kí ban hành Nghị định 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Nghị định này quy định việc quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non, lớp mầm non độc lập công lập; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ