“Áp lực” để nâng cao năng lực quản trị

GD&TĐ - Một trong những cản trở nâng cao chất lượng giáo dục là năng lực của hiệu trưởng nhà trường.

Nâng cao hiệu quả quản trị trường học thông qua các chương trình tập huấn và học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: CT
Nâng cao hiệu quả quản trị trường học thông qua các chương trình tập huấn và học hỏi kinh nghiệm. Ảnh: CT

Việc có một hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục nói chung, nhà quản lý giáo dục nói riêng chủ động nâng cao năng lực quản trị, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý, trước nhân dân là vô cùng quan trọng.

Rõ cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động của nhà trường

Ông Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình, cho rằng: Nghị định 24 ra đời là cơ sở pháp lý cho các nhà trường thực hiện hoạt động giáo dục. Trong đó có hoạt động tuyển sinh; tổ chức hoạt động giáo dục; quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu và giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục; quy định trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục.

“Đặc biệt, Nghị định đồng thời quy định rõ trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục; quy định về việc bảo đảm sự tham gia của học sinh, gia đình, xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục. Đây là điều thuận lợi cho hoạt động của nhà trường.” – ông Nguyễn Văn Chanh nhận định.

Đánh giá tích cực về Nghị định 24, theo ông Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool, Bắc Giang, Nghị định luật hóa những quy định về hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục. Nhà trường là chủ thể trong các mối quan hệ: Nhà trường - học sinh, nhà trường - gia đình, nhà trường - xã hội.

Cơ chế quản lý, giám sát với các hoạt động của nhà trường sẽ tạo áp lực rất lớn với những nhà quản lý. Họ phải làm thế nào để dân chủ mà vẫn công bằng, công khai đi liền với minh bạch - đó là yêu cầu khó. Nếu năng lực lãnh đạo yếu kém sẽ khó thực hiện. Chưa kể, trách nhiệm giải trình luôn đè nặng lên vai nhà trường, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, áp lực này là rất cần. Bởi nếu chỉ công khai mà không minh bạch thì công khai cũng bằng thừa. Chỉ có minh bạch mới khiến cho các hoạt động quản lý vận hành theo đúng quy luật khách quan. Như thế giáo dục mới phát triển và tiến lên.

“Cụ thể hóa quyền của gia đình, xã hội trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện của Nghị định chính là nền tảng quan trọng trong đổi mới giáo dục. Việc quan tâm điều chỉnh kịp thời sẽ giúp giáo dục cải tiến nhanh hơn, đổi mới hiệu quả hơn” – ông Hà Đình Sơn nêu quan điểm.

Hiệu trưởng đóng vai trò định hướng trong đổi mới GD toàn diện. Ảnh minh họa
Hiệu trưởng đóng vai trò định hướng trong đổi mới GD toàn diện. Ảnh minh họa

Trường học tự chủ hơn

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết từ năm 2017 đã cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông công lập. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu: Đâu là nguyên nhân cản trở sự “tự chủ” nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường, từ đó khuyến nghị những giải pháp.

“Chúng tôi nhận thấy vấn đề tồn tại khá phổ biến: Trong cùng một bối cảnh (địa bàn dân cư, cơ chế vận hành, chính sách pháp luật của Nhà nước, nền tảng đào tạo - bồi dưỡng nhân lực, chương trình giáo dục tổng thể,…)  có trường “làm tốt” hơn, thậm chí vượt trội. Khi phỏng vấn sâu giáo viên, phụ huynh, học sinh, chúng tôi nhận thấy những ý kiến như “hiệu trưởng nhà người ta”.

Đó là thực tế cho thấy, một trong những cản trở nâng cao chất lượng giáo dục là “năng lực của hiệu trưởng”. Trong nhiều trường hợp chúng tôi nghiên cứu, không ít hiệu trưởng thiếu kĩ năng quan trọng để quản trị, đồng thời chưa chủ động học tập, nâng cao năng lực. Một cách cảm tính, chúng ta vẫn nói cần “hiệu trưởng có tâm, có tầm, có tài”. Nhưng tiếp cận trên khoa học quản lý, chúng ta cần một chính sách, để thấy những việc “hiệu trưởng phải làm”” – PGS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Quản trị trường học tốt giúp người học phát huy khả năng sáng tạo.
Quản trị trường học tốt giúp người học phát huy khả năng sáng tạo. 

Nghị định 24 có cách tiếp cận dựa trên những “hoạt động giáo dục” của nhà trường, như hoạt động tuyển sinh; tổ chức hoạt động giáo dục; quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự. PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng: Đây là cơ sở pháp lý  quan trọng để thực hiện được “quản lý dựa vào nhà trường”. Phân cấp, phân quyền gián tiếp để trường học tự chủ hơn, tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý và cả trách nhiệm giải trình.

Chẳng hạn, về tổ chức hoạt động giáo dục, Nghị định quy định: Cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiền của địa phương theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nhà quản lý phải tự nâng cao hiểu biết và tự học để có được những công cụ phát triển, thực thi chương trình giáo dục đó đáp ứng điều kiện cụ thể của trường học, chứ không thể “chờ đợi” vào chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết của cơ quan quản lý như trước đây.

Tương tự, với hoạt động quản lý nhân sự, PGS Chu Cẩm Thơ phân tích: Nghị định đòi hỏi nhà quản lý phải có kế hoạch sử dụng bồi dưỡng nhân viên nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng, tất nhiên đi cùng với đó là các công cụ để quản trị nhân lực, chịu trách nhiệm đánh giá. Những quy định này là cần thiết, đáp ứng cả yêu cầu thực tiễn giáo dục địa phương cũng như chiến lược phát triển trên bình diện quốc gia.

Nghị định 24/2021/NĐ-CP tạo ra hành lang pháp lý, để cơ sở giáo dục nói chung, nhà quản lý giáo dục nói riêng chủ động nâng cao năng lực quản trị, tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan quản lý, nhân dân. Nghị định cũng tạo ra “áp lực” để nhà quản lý giáo dục phải tự học, để trở thành nhà quản trị trường học được Nhà nước ủy quyền. Đó là người có tầm nhìn về giáo dục; biết khơi dậy động lực của đồng nghiệp, học trò; biết điều hành thực thi chiến lược giáo dục. - PGS.TS Chu Cẩm Thơ 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.