Có thể thấy, vai trò của phản biện xã hội là hết sức to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, cảm xúc của một cộng đồng, một dân tộc.
Các yếu tố chính của phản biện xã hội
Tuy nhiên, hoạt động phản biện xã hội đạt hiệu quả cao khi người phản biện hiểu được mục đích thực sự của nó. Đó là yếu tố then chốt để tạo nên giá trị và khẳng định tính đúng đắn của ý kiến phản biện. Phản biện xã hội phải xuất phát từ mục đích chân chính: xây dựng vì sự phát triển của dân tộc, quốc gia, nhân loại, không vì lợi ích cá nhân, sự bốc đồng riêng của một chủ thể nào. Từ mục đích ấy, thái độ phản biện được hình thành trên tinh thần khoa học, cầu thị và chân thành; tránh việc a dua, chạy theo đám đông, gây hoang mang cho người khác.
Để đảm bảo hiệu quả, trước hết người phản biện cần trang bị cho bản thân những tri thức khoa học, cụ thể về đề tài, chủ đề được nói đến và có lập luận xác đáng, có cơ sở, có tính thuyết phục cao. Đa phần lực lượng tham gia phản biện xã hội là những trí thức, được trang bị kiến thức, nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, xã hội hiện đại, phản biện xã hội xuất hiện ở nhiều tầng lớp khác nhau. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong trình độ nhận thức của con người. Và từ đó, phản biện xã hội cũng đi theo những chiều hướng khác nhau.
Chúng ta đã phản biện xã hội như thế nào?
Chúng ta vẫn còn nhớ như in về sự kiện cô giáo quỳ gối trước phụ huynh vì đã phạt học sinh. Dư luận đã từng dậy sóng với những luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến đứng về phía cô giáo, ra lời bênh vực, lí giải cho hành động của cô. Nhưng cũng không ít ý kiến chê bai, bài xích, công kích cô giáo ấy cho rằng hành động quỳ gối của cô đã bôi nhọ nghề giáo - nghề cao quý. Rồi tiếp đến là những luồng sóng lớn của báo chí, cộng đồng xoay quanh vụ việc đã xảy ra với nhiều vấn đề được nêu lên, chẳng hạn như: về sự hoài nghi giáo dục hiện đại, về mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh, về tinh thần tôn sư trọng đạo thời hiện đại, … Và còn có những ý kiến trao đổi, tranh luận, phản biện mang tính chủ quan, cá nhân, lại có tính quy chụp trở thành điều phổ biến rộng rãi.
Và trong thời gian gần đây với công trình nghiên cứu của tác giả Bùi Hiền. Ở đó, nhà nghiên cứu đã đưa ra sự cải tiến về bảng chữ cái tiếng Việt với những mong muốn: tiết kiệm thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập văn bản trên giấy, trên máy tính, … PGS. Tiến sĩ Bùi Hiền đã dành hẳn một phần cuộc đời mình để nghiên cứu một cách nghiêm túc. Và hơn bao giờ hết, nhà nghiên cứu đã kiên cường đứng trước tâm bão dư luận khi vừa công bố công trình tâm huyết của mình.
Nếu theo lô - gic ứng xử xã hội hợp lí, chúng ta quan tâm, chia sẻ, góp ý mang tính khoa học và nhân bản với thái độ cầu thị, chân thành sẽ mang tính thuyết phục cao hơn dùng những từ ngữ chưa thật sự trong sáng để lăng mạ sản phẩm và cả tác giả Bùi Hiền. Điều đó không mang lại hiệu quả thật sự tốt khi chúng ta cố gắng bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, văn hóa dân tộc mà ta đã tự hào. Đây là phản biện xã hội hiệu quả chăng? Nó đi ngược lại lí trí, khát vọng nghiên cứu của khoa học trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Đó phải chăng cũng là một nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy chất xám!
Cũng là một công trình nữa về “tiếng nói dân tộc Việt” mà dư luận đang rất quan tâm của GS. Hồ Ngọc Đại là bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Công nghệ. Bộ sách này cho đến hiện nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi chăng khi đã trải qua hơn 40 năm thí điểm ở nhiều tỉnh thành trong cả nước? Và nó đã cho ra những sản phẩm thật thụ mà dư luận thì cứ mãi đi tìm câu trả lời.
Nếu ai đã từng yêu quý ngôn ngữ dân tộc đều biết rằng nhà nghiên cứu Hồ Ngọc Đại đã dựa trên hệ thống ngữ âm để hướng dẫn người học tiếp cận, đọc, phân biệt rõ các yếu tố cấu thành tiếng Việt. Ở đây người viết không đi sâu vào tính đúng, sai của công trình hay tìm ra ưu nhược điểm mà chỉ góp một phần nhỏ giúp người đọc hiểu hơn về phản biện xã hội hiện tại. Rõ ràng, dù có phải là chân lí hay không thì thái độ phản biện của dư luận với vấn đề đi ngược lại tiêu chuẩn cần có. Không ít những lời chỉ trích, thối mạ mà dư luận xuất phát từ những lí luận chưa thật sự thuyết phục nêu lên dành cho tác giả. Còn ngôn ngữ sử dụng trong phản biện mang tính công kích khá rõ rệt, thậm chí chửi mắng. Nếu có thể dùng thái độ công tâm hơn với nhiều góc độ khác nhau để xem xét đúng tinh thần phản biện thì có lẽ sẽ đạt hiệu quả cao.
Phải chăng người phản biện đã quá khích trước xu hướng đám đông dẫn dắt đi quá xa? Hay vì yêu ngôn ngữ dân tộc, xuất phát từ lòng yêu nước thật thụ của mỗi cá nhân? Hoặc đứng với vai trò người học, người dạy, phụ huynh đã tiếp xúc với chương trình này bằng tinh thần khoa học giáo dục thực sự? … Dù đứng với vai trò nào chúng ta cần nhận thấy sự thất bại của phản biện xã hội thiếu khoa học, không chân chính mà dư luận đang theo đuổi. Nó xuất phát từ những bất đồng, từ sự thiếu niềm tin, từ việc “dị ứng” với cải cách giáo dục, từ phản ứng không thể thích nghi với cái mới nên cho nó là “lạ”, ... Và nó chỉ mang sức nặng, sức ép theo nguyên tắc ứng xử xã hội xưa nay đã có “đa số thắng thiểu số” chứ không thể cải thiện được tư duy và hoàn thiện được sản phẩm khoa học.
Làm gì để phản biện xã hội đi đúng hướng?
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò và giá trị quan trọng của phản biện xã hội trong đời sống con người từ cổ chí kim. Trong thời hiện đại, công nghệ phát triển vũ bão; tri thức, tư duy nhân loại tiến bộ vượt bậc thì phản biện xã hội càng là một mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng xúc cảm, trí tuệ con người. Tuy nhiên, việc nhìn nhận và đưa nó trở về đúng mục đích phản biện ngày càng khó khăn hơn bởi những giới hạn nhất định ở thái độ, cách nhìn nhận của mỗi người. Phản biện xã hội thật sự đạt hiệu quả cao nhất đó là khi vấn đề đưa ra được thảo luận một cách khách quan. Và từ đó, hoạt động phản biện giúp người nhận phản biện và người phản biện trưởng thành về nhận thức.
Song song đó, quá trình phản biện là quá trình ứng xử tích cực, mang tính chuyên nghiệp cao. Nó mang lại những giá trị về giáo dục văn hóa, nâng cao kiến thức cộng đồng, … tạo nên từ tâm huyết của mỗi cá nhân hướng đến phạm trù hoàn mĩ của khoa học, đời sống xã hội. Vậy phản biện xã hội không chỉ đảm bảo tính khoa học xuất phát từ thái độ chân thành, mang lại lợi ích cho cộng đồng, quốc gia, dân tộc mà còn phải thể hiện tính nhân văn cao đẹp. Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý.”