Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ hiện nay như: Do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân học sinh đối tượng từ 12-17 tuổi khi giai đoạn này hình thành nhân cách ở con người, cùng đó là tâm lý không ổn định và với một cái tôi cá nhân quá cao.Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo, dẫn đến nhiều vụ đánh nhau tại trường học hay cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
BLHĐ cũng có một phần nguyên nhân do giáo dục của nhà trường những năm qua còn nặng về kiến thức văn hóa, nhẹ về nhiệm vụ giáo dục con người. Vẫn còn số ít thầy cô giáo sống thực dụng chạy theo đồng tiền… nên đã bị đẩy ngã những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức nhà giáo.
BLHĐ cũng đến từ phía gia đình khi sự ảnh hưởng của gia đình đối với mỗi cá nhân là vô cùng lớn. Khi cha mẹ có sự giáo dục chưa đúng đắn, thường nặng lời quát tháo con cái cũng dễ dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Đặc biệt không ít trường hợp, cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái hoặc bị stress và xả stress bằng bạo hành gia đình lên chính con cái của mình... Chính những hành động này của bố mẹ ảnh hưởng sâu sắc theo chiều hướng xấu đến con trẻ sau này.
Chủ đề cuộc giao lưu trực tuyến. |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay không thể không kể đến đó là từ phía xã hội khi HS bị ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bao lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng..).
Các nghiên cứu về BLHĐ cho thấy BLHĐ đã và đang để lại những hậu quả nặng nề với HS, gia đình, nhà trường và xã hội. Không ít vụ BLHÐ với hậu quả nghiêm trọng đã gây ra tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh, học sinh và làm mất trật tự, kỷ cương ở địa phương và xã hội. Và những năm gần đây, BLHÐ có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi học sinh cuối cấp THCS và THPT.
Đặc biệt, đáng nói khi xảy ra BLHĐ, dư luận xã hội thường hay quy trách nhiệm cho nhà trường và ngành giáo dục.Trong khi đó vai trò của gia đình và xã hội quan trọng không kém lại không được đề cập thỏa đáng.
Giúp HS nhận biết hậu quả nghiêm trọng của BLHĐ |
Có thể nói, với những hậu quả nặng nề thì BLHĐ đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Để tìm ra những nguyên nhân, giải pháp nhằm hạn chế, loại bỏ bạo lực học đường - đang rất cần sự chung tay của gia đình, xã hội với nhà trường. BLHĐ là vấn đề không thể phó mặc hoàn toàn cho ai, hay “chân kiềng” nào.
Xung quanh vấn đề này, từ 14h30 ngày 24/12, Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: Phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội giáo dục toàn diện học sinh.
Hai khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến là:
PGS.TS – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh;
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội)
Những suy nghĩ, quan điểm, kinh nghiệm phòng chống BLHĐ sẽ được chuyển đến bạn đọc.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi về chương trình để cùng trò chuyện, trao đổi với các khách mời của Báo GD&TĐ.