Quản lý cạnh tranh Trung – Mỹ

GD&TĐ - Cuộc gặp diễn ra trong khi hai nhà lãnh đạo đều có các bận tâm riêng trong nước. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang giảm đi do những lo ngại về dịch Covid-19, lạm phát và vấn đề về chuỗi cung cấp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc gặp trực tuyến đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 15/11 kéo dài tới 3 tiếng rưỡi và được hai bên đánh giá là thẳng thắn và ít nhất đã ghi nhận mong muốn hợp tác vượt qua những thách thức toàn cầu.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nói, hai bên đã dành nhiều thời gian nói chuyện thẳng thắn. Còn từ Bắc Kinh, Chủ tịch Tập cho biết dù gặp trực tuyến không tốt như khi mặt đối mặt nhưng ông “rất vui khi gặp lại người bạn cũ”.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần khi họ còn đều là phó chủ tịch nước và phó tổng thống. Ông Biden từng nói rằng ông dành nhiều thời gian gặp ông Tập hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Song giờ đây, trên cương vị tổng thống, ông cũng biết rõ ông đã có cuộc gặp với một trong những nhà lãnh đạo mạnh nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Dường như đó là một khởi đầu tốt lành với một trong những cuộc điện đàm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden, nếu xét về quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, và thực tế là việc quản lý mối quan hệ này sẽ là một trong những mục tiêu quốc tế quan trọng nhất của ông Biden.

Hai nhà lãnh đạo đã đề cập những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ, như nhân quyền, Đài Loan, Tây Tạng, vấn đề thương mại, và hai bên đã có “một cuộc tranh luận lành mạnh” – CNN dẫn lời một quan chức cấp cao phía Mỹ có mặt tại đó. Cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến, đem lại cơ hội để họ bứt ra khỏi những luận điểm đã chuẩn bị sẵn và vẫn duy trì được giọng điệu tôn trọng, thẳng thắn.

Tuy nhiên đúng như chờ đợi, cuộc gặp không đem lại đột phá lớn. Phía Mỹ cho rằng cuộc gặp không phải nhằm làm dịu mối quan hệ đang ngày càng căng thẳng, mà “muốn đảm bảo rằng việc cạnh tranh được quản lý có trách nhiệm, rằng chúng tôi có cách làm điều đó. Tổng thống Mỹ hiểu rõ rằng ông sẽ tham gia vào cuộc cạnh tranh gay gắt đó” - quan chức chính quyền Mỹ nói.

Trong cuộc gặp, ông Biden nói với ông Tập: “Có lẽ với tôi, trách nhiệm của chúng ta với tư cách là lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ là đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước không trở thành xung đột dù là cố ý hay không.

Chỉ đơn giản là cạnh tranh thẳng thắn. Có lẽ chúng ta phải thiết lập một số rào chắn về nhận thức chung, rõ ràng và trung thực ở những điểm chúng ta không đồng ý, và cùng nhau làm việc ở những điểm lợi ích giao nhau”.

Đài Loan là chủ đề gây căng thẳng trong những tháng gần đây và đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận khá nhiều. Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách “Một Trung Quốc”, và nêu trực tiếp những quan ngại của ông về hành xử của Trung Quốc đe doạ sự ổn định ở eo biển Đài Loan, song ông không đặt ra “rào chắn” mới nào như đã nói lúc đầu.

Về Covid-19, ông Biden tái khẳng định tầm quan trọng của sự minh bạch trong ngăn chặn việc bùng phát dịch trong tương lai. Dường như ông bỏ qua việc Trung Quốc không sẵn sàng cho phép điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch.

Về thương mại, ông Biden nói rằng sẽ tìm cách “bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ khỏi các hoạt động kinh tế thương mại không công bằng của Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ cũng nêu lên những lĩnh vực Mỹ - Trung có thể hợp tác, bao gồm cả biến đổi khí hậu, cùng với các vấn đề quốc tế như Triều Tiên, Afghanistan, Iran.

Có phỏng đoán ban đầu rằng ông Tập sẽ mời ông Biden đến dự Olympics Mùa đông Bắc Kinh, song chủ đề này không được đưa ra.

Hai nhà lãnh đạo được dự đoán gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, song ông Tập không đến dự trực tiếp do lo ngại Covid. Vì thế, ông Biden đã đề xuất cuộc hội đàm trực tuyến này sau hai lần điện đàm trước đó với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Cuộc gặp diễn ra trong khi hai nhà lãnh đạo đều có các bận tâm riêng trong nước. Tỷ lệ ủng hộ ông Biden đang giảm đi do những lo ngại về dịch Covid-19, lạm phát và vấn đề về chuỗi cung cấp.

Còn ông Tập cũng đối mặt với nguy cơ Covid-19 trở lại, việc thiếu điện trầm trọng và cuộc khủng hoảng nhà ở mà phía Mỹ lo ngại sẽ gây chấn động lên thị trường toàn cầu. Hàng loạt những vấn đề đó cho thấy, mỗi nước không thể tự mình giải quyết mà cần hợp tác với nhau.

Cho dù không có đột phá, song nhận thức về việc cùng quản lý cạnh tranh và việc phải hợp tác trên các thách thức chủ chốt, nếu nhìn lạc quan, thì cũng đã có thể được coi là một kết quả tốt đẹp, cho dù thực tế sẽ rất khó khăn.

Song Chủ tịch Trung Quốc cũng đã nói: “Hiện giờ cả Trung Quốc và Mỹ đều đang trong những giai đoạn phát triển quan trọng, và nhân loại đang sống trong một ngôi làng toàn cầu, vì thế chúng ta cùng nhau đối mặt với nhiều thách thức. Trung - Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hoà bình và theo đuổi hợp tác cùng thắng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.