Mới đây, tờ báo Mỹ The Wall Street Journal đã bày tỏ sự lo ngại là sau khi kết thúc Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, Quân đội Nga sẽ trở thành lực lượng vũ trang thiện chiến nhất trên thế giới và Moscow có đủ năng lực khôi phục tiềm lực quân sự nhanh hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu.
Giới phân tích lưu ý rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine và những yếu kém bộc lộ trong việc điều động binh lực, huy động quốc phòng cũng thúc đẩy việc hình thành một “Quân đội chung châu Âu”, mà ý tưởng vốn đã manh nha kể từ khi quan hệ giữa Brussels và Moscow trở nên căng thẳng từ năm 2014.
Tuy nhiên, tờ báo Mỹ nhận định rằng, không dễ để hiện thực hóa ý tưởng này, rất có thể “Lục địa Già” sẽ cần ít nhất hai thập kỷ để thành lập quân đội của riêng mình, lực lượng sẽ không phụ thuộc vào Hoa Kỳ và cũng độc lập với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Wall Street Journal cho rằng, đến thời điểm bây giờ, người châu Âu thậm chí chưa nghĩ tới việc NATO sẽ hoạt động như thế nào nếu không có sự hỗ trợ kinh tế và quân sự của Mỹ.
Các thành viên châu Âu của Liên minh cần nguồn tài trợ bổ sung 56 tỷ euro mỗi năm để đạt được mục tiêu tài trợ 2% GDP, vậy nếu thành lập một Quân đội của riêng mình, các nước EU liệu có đóng góp đủ ngân sách duy trì hoạt động của nó, trong khi họ còn chưa đảm bảo nổi nghĩa vụ đối với NATO?
Bài báo nhấn mạnh rằng, hiện nay nhiều nước châu Âu buộc phải cắt giảm ngân sách để đối phó với những khoản nợ khổng lồ và cố gắng cầm cự trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, trong khi để tăng cường an ninh của mình, đòi hỏi chi tiêu quốc phòng vẫn sẽ phải tăng lên.
Lấy ví dụ, Tạp chí Phố Wall trích dẫn số liệu từ các chuyên gia quân sự Brussels ước tính, các quốc gia châu Âu sẽ cần hơn 5 tỷ dollars để mua đủ đạn dược nhằm chống lại một cuộc chiến ngắn ngủi trong vòng vài tuần.
Liệu rằng với một cuộc chiến tranh kéo dài như xung đột Nga-Ukraine hiện nay, khi mà cả khối NATO còn đang cạn kiệt kho vũ khí của mình mà vẫn không cấp đủ cho chính quyền Kiev, thì liệu các nước châu Âu có đủ tiềm lực và sự kiên nhẫn để duy trì một cuộc chiến của chính mình?
Ngoài ra, châu Âu cũng nên nghĩ đến tính huống nếu như phát sinh xung đột giữa Nga với 1 nước châu Âu nào đó, liệu chính phủ các nước EU khác có sẵn sàng gửi quân đến tham chiến bảo vệ quốc gia đó không? Nhân dân các nước đó có chấp thuận để con em mình hy sinh vì người khác hay không?
Do đó, việc thành lập “Quân đội chung châu Âu” sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu các nước EU trả lời được những câu hỏi đó và tìm được sự đồng thuận về sự ra đời của một hiến chương với những quy định chặt chẽ về quyền được bảo vệ và nghĩa vụ buộc phải tuân thủ của tất cả các thành viên.
Nếu ngược lại, việc thành lập lực lượng quân sự này sẽ chỉ là ảo vọng xa vời hoặc nếu có được thực hiện, nó cũng không thoát khỏi cái bóng của NATO, trở thành một công cụ của Mỹ, được Washington nuôi dưỡng và điều khiển.