Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chủ trì.
Tại Hội nghị, Trưởng đoàn các nước đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả, kịp thời giữa quân đội các nước ASEAN trong ứng phó dịch Covid-19. Đồng thời khẳng định, bằng nỗ lực nội tại của mỗi quốc gia và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, các nước ASEAN đã tích cực triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác, quyết tâm không để dịch bệnh ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng trong ASEAN.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia ASEAN đã cùng ra tuyên bố chung. Theo đó các bên thông qua kế hoạch hoạt động ba năm của ADMM giai đoạn 2020 - 2022. Một trong nhiều nội dung quan trong trong tuyên bố được các Bộ trưởng thống nhất cao là duy trì nguyên tắc về vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ra quyết định dựa trên đồng thuận...
Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã ra Tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các bên khẳng định sự cần thiết phải thực hiện tự kiềm chế việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Tuyên bố chung được các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế (bao gồm UNCLOS 1982); thực thi đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tuyên bố chung nêu rõ các nước ASEAN hoan nghênh sáng kiến xây dựng lòng tin như Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển; Hướng dẫn tương tác trên biển; và các hoạt động khác trong khuôn khổ DOC. Những sáng kiến này nhằm tăng cường thông tin liên lạc, xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tại nạn, hiểu nhầm và những tính toán sai lầm trên không và trên biển.
Theo đánh giá của giới quan sát, việc các bên thông qua Tuyên bố chung đã cho thấy một ASEAN đoàn kết và lớn mạnh. Điều này đã được Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, khẳng định: Với việc thống nhất thông qua và ký Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, các nước đã thể hiện mạnh mẽ sự đoàn kết, thống nhất và cam kết đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Các thách thức do dịch COVID - 19 gây ra cho thấy quân đội mỗi nước ASEAN đã thể hiện vai trò nòng cốt, vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tham gia tích cực vào các nỗ lực chung của Chính phủ quốc gia mình, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Trong tình hình thế giới và khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống như an ninh biển, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... có nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực.
Quân đội các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hoạt động chung trong ASEAN, phát huy hơn nữa vai trò cũng như tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác sẵn có trong kênh quân sự, nhằm xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết giữa quân đội các nước ASEAN, tạo thành sức mạnh tập thể cùng ứng phó với những thách thức chung, đồng thời góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu rúc khu vực còn nhiều biến động, vì hòa bình, ổn định của khu vực.