Quan Đốc học có công khởi dựng Văn miếu Bắc Ninh

GD&TĐ - Văn miếu Bắc Ninh được khởi dựng nhờ tâm sức của Đỗ Trọng Vỹ - một nhà giáo dục lừng danh triều Nguyễn.

Tam quan Văn miếu Bắc Ninh.
Tam quan Văn miếu Bắc Ninh.

Xoay quanh cuộc đời của ông, còn nhiều điều thú vị mà hậu thế ít biết đến.

Theo các nguồn sử liệu, Đỗ Trọng Vỹ (1829 - 1899), tự Tham Thiền, hiệu Khôi Hữu, quê làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Gia phả cho biết, ông là hậu duệ của Nguyễn Quang Bật - một trạng nguyên tài danh, trung nghĩa nhưng phải chết oan dưới thời nhà Lê.

Gia đình khoa bảng

Tượng thờ danh sĩ Đỗ Trọng Vỹ ở chùa Hàm Long, TP Bắc Ninh.

Tượng thờ danh sĩ Đỗ Trọng Vỹ ở chùa Hàm Long, TP Bắc Ninh.

Nguồn tư liệu gia phả họ Đỗ tại làng Đại Mão cho biết, Đỗ Trọng Vỹ có cha là Đỗ Dư (Đỗ Trọng Dư), tự Hòa Trai, hiệu Hy Liễu, nổi tiếng học rộng tài cao, đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão (1819), từng làm quan đến chức Tri phủ Quốc Oai.

Năm 1826, sau khi bị triều đình xét tội cách chức, cụ Dư về quê theo nghề dạy học, đào tạo được nhiều học trò thành danh. Cụ là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng đương thời, như: Quan Âm truyện, Âm Chất truyện…

Khi Đỗ Trọng Vỹ mới lên 3 thì mẹ qua đời, ông được bên ngoại đón về Thụy Chương (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) nuôi nấng. Đến năm lên 6 tuổi, ông được cha đón về trực tiếp nuôi dạy.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng, từ nhỏ có tiếng thông minh đĩnh ngộ, học chóng hiểu thông và biết làm thơ, ông sớm nổi tiếng văn tài Nho học. Năm 21 tuổi, ông đỗ tú tài khoa Canh Tuất (1850).

Tháng 3 năm 1862, Chánh tổng Nguyễn Thạnh ở Bắc Ninh nổi dậy chống triều đình, hội quân đến vài nghìn người, đánh phá các phủ huyện Lạng Giang, Yên Dũng rồi tới vây thành Bắc Ninh. Triều đình sai Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hành làm Bắc thứ Thường biện quân vụ, đốc suất quân đi đánh dẹp. Đỗ Trọng Vỹ được sung làm Bang tá huyện vụ theo quân.

Trong trận đánh tại Đông Hồ (thuộc phủ Thuận Thành, Bắc Ninh), quân nổi dậy vây đánh quân triều, do không có quân viện trợ nên Nguyễn Đăng Hành bị giết chết (hiện vẫn còn di tích Nghè Hành tại làng Lạc Thổ - PV).

Đỗ Trọng Vỹ đốc suất quân binh dốc sức đánh dẹp và cướp được thi hài Nguyễn Đăng Hành. Do có công trong trận đánh này nên Đỗ Trọng Vỹ được triều đình ghi nhận quân công.

Khoa thi Hương năm Giáp Tý (1864), lúc 36 tuổi ông đỗ cống sĩ, đứng thứ ba tại trường thi Hà Nội. Cùng khoa thi với ông có một số bạn bè là danh sĩ nổi tiếng, như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Bùi Văn Quế, Dương Danh Lập, Vũ Chu…

Văn nhân đánh trận

Là quan văn nhưng nhiều lần Đỗ Trọng Vỹ lĩnh vai trò quan võ thống suất quân đội đánh trận. Ảnh minh họa: INT

Là quan văn nhưng nhiều lần Đỗ Trọng Vỹ lĩnh vai trò quan võ thống suất quân đội đánh trận. Ảnh minh họa: INT

Vì có quân công trước nên khi vừa đỗ cử nhân, ông được triều đình bổ ngay chức Huấn đạo Văn Giang. Tròn 6 năm sau ông được thăng chức Giáo thụ phủ Từ Sơn, rồi được bổ Tri huyện Yên Dũng kiêm Lạng Giang. Thời gian sau, ông được thăng chức Tri phủ Yên Thế.

Năm 1874, ông được triều đình sung chức Bang tá quân vụ, phụ tá cho Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm và Tán tương quân vụ Tôn Thất Thuyết, suất quân trấn áp các cuộc nổi dậy ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Năm 1876, ông được sung làm quyền Án sát sứ Cao Bằng, rồi được đổi thành Án sát sứ Thái Nguyên.

Sử triều Nguyễn ghi chép, năm 1878 Lý Dương Tài - một cựu võ quan nhà Thanh từng theo Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài sang Việt Nam trấn áp quân Cờ Vàng.

Tuy nhiên sau đó lại bất mãn khi bị nhà Thanh cách chức nên tụ tập bộ hạ thân tín sang Việt Nam cướp bóc. Đỗ Trọng Vỹ nhận lệnh triều đình phối hợp với Đề đốc Quảng Tây Phùng Tử Tài dẹp loạn Lý Dương Tài.

Sau khi dẹp được loạn và bắt được Lý Dương Tài giải trả về Trung Quốc, ông được nhà Nguyễn thăng Tuần phủ Hưng Yên. Tuy nhiên, thời gian này do bị bệnh nên ông cáo quan xin về nghỉ tại quê nhà Bắc Ninh.

Đầu năm 1882, ông được triều đình triệu ra làm quyền Đốc học Bắc Ninh. Nhưng sau đó lại xảy ra sự kiện Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông xin từ quan về ẩn dật tại chùa Hàm Long (Bắc Ninh). Đây chính là nơi ông soạn cuốn “Bắc Ninh địa dư chí” kéo dài từ năm 1882 - 1885.

Tuy đã lui về ẩn dật, tháng 2 năm 1888, ông một lần nữa là được triều đình triệu ra làm Đốc học Bắc Ninh. Bấy giờ, nước nhà trải qua nhiều biến động: Pháp hầu như nắm quyền cai trị, sự kiện “bốn tháng ba vua”, sự biến kinh thành...

Trong tình thế nước nhà suy vi, với mong muốn giữ gìn phong hóa truyền thống, ông dốc lòng đào tạo thế hệ học trò mới - trong đó có các vị xuất thân đại khoa như: Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân, Tiến sĩ Đàm Thận Bình, các Phó bảng Phan Văn Tâm, Đặng Quỹ, Đặng Tích Trù, Nguyễn Thiện Kế và nhiều cử nhân khác.

Bên cạnh đó, nhiều học trò ông tuy không đỗ đạt nhưng cũng nức tiếng như các danh sĩ: Trần Lê Kỉ, Đỗ Như Đại, Nguyễn Mộng Bạch, Hoàng Thường, Nguyễn Đốc, Trần Huy Côn, Ngô Sách Tư, Tô Nha, Trịnh Xuân Nham…

Khởi dựng Văn miếu

12 bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

12 bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

Bia Văn miếu Bắc Ninh là nguồn tư liệu bổ khuyết đầy đủ nhất về các danh nhân khoa bảng quê hương Kinh Bắc thời phong kiến. Nội dung văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia đều mang dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. 12 bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh được công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 15/1/2020.

Năm 1889, Đỗ Trọng Vỹ chủ trì việc khắc 12 tấm bia đá với tên gọi “Kim bảng lưu phương”, ghi danh gần 677 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc. Năm 1893, ông chủ trương cho dời Văn miếu Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lê sơ - vốn đang bị đổ nát, từ núi Thị Cầu về núi Phúc Đức.

Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, Văn miếu Bắc Ninh vốn nằm tại vùng Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm và Đông Anh - Hà Nội, Văn Lâm - Văn Giang thuộc Hưng Yên).

Văn miếu Bắc Ninh được khởi công xây dựng vào thời Hậu Lê thế kỷ 15, tại núi Châu Sơn, Thị Cầu. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho tu bổ lại. Năm 1838, Văn miếu dù được tu sửa lại song dần trở nên hoang phế.

Năm 1893, Văn miếu được chuyển về núi Phúc Đức - ngọn núi mọc lên giữa vùng đất bằng phẳng, có địa thế phong thủy tốt, lại gần trung tâm nên thuận tiện cho việc cúng lễ và khuyến khích sự giao lưu học hỏi.

Quan Đốc học Đỗ Trọng Vỹ đã vận động các vị văn thân, chức sắc, nhân dân địa phương góp tiền, góp sức. Và đến năm 1928, Văn miếu chính thức được tu sửa khởi dựng với quy mô lớn và gần như toàn diện, gồm các công trình như: Tiền tế, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, Tạo soạn, Bi đình, nhà Hội đồng trị sự, Tam môn…

Tam quan Văn miếu Bắc Ninh nằm dưới chân núi Phúc Đức, được xây dựng đơn giản. Khối cổng chính giữa có mái 2 tầng, 8 mái. Hai bên khối cổng chính có hai trụ biểu, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Giữa khối cổng chính và trụ biểu là cổng phụ.

Bia 'Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký' tại chính sân Văn miếu Bắc Ninh.

Bia 'Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký' tại chính sân Văn miếu Bắc Ninh.

Sau Nghi môn là một bậc thang rộng dẫn đến sân Văn miếu nằm trên đỉnh núi. Sân lát gạch, phía trước sân là một tấm bia đá, kích thước lớn mang tên “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký” khắc vào năm 1928. Bia có hình dáng như một bức bình phong, chạm khắc chữ và hoa văn hai mặt.

Nội dung bia ngoài việc ca ngợi Nho học, còn nói về quá trình và các đóng góp cho việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu: “Văn miếu được dựng lên là để tôn thờ các vị tiên hiền tiên triết, chấn hưng và khuyến khích thuần phong, văn học, duy trì điều tốt cho đời sau nhằm biểu dương những người xuất chúng phi thường, có học vấn, thông kim bác cổ, đỗ đạt lưu danh, cổ vũ sự nghiệp giáo dục, chấn hưng đạo đức cho hàng ngàn vạn năm sau”.

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa, nội dung 12 bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh ghi chép về khoa thi, họ tên, quê quán, học vị và chức tước của các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ của xứ Kinh Bắc xưa.

12 tấm bia này có kích thước như nhau (cao 110cm, rộng 75cm, dày 9cm), trán bia cong và được trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Ở diềm bên trái của mỗi bia có ghi khắc vị trí đặt của bia đó trong nhà bia.

12 bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh là hiện vật gốc độc bản. Đây là nguồn tư liệu xác thực, đầy đủ nhất đối với việc nghiên cứu lịch sử khoa cử Kinh Bắc. Trong đó có nhiều tiến sĩ không có tên trong các tài liệu đăng khoa lục hay tại Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội, nhưng lại có tên trong bia Văn miếu Bắc Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ