Sách “Gia Định thành thông chí” (Trịnh Hoài Đức) có viết rằng: Văn miếu ở địa phận hai thôn Bình Thành và Tân Lại, huyện Phước Chánh. Đời vua Hiển Tông (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) năm Ất Mùi 1715, Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Chánh Đức chọn chỗ đất dựng lên ban đầu.
Văn miếu thứ hai ở Việt Nam
Khuê Văn Các. |
Theo các cứ liệu lịch sử, trong số 3 văn miếu ở 6 tỉnh Nam Bộ lúc bấy giờ, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất. Năm 1698, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai, thì vùng đất ấy đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất, đó là Cù lao Phố.
Để có nơi tôn vinh các giá trị tinh hoa văn hóa - giáo dục dân tộc Việt ở vùng đất mới, 17 năm sau - tức năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đó là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.
Theo đó, năm 1808 dưới triều vua Gia Long, Văn miếu Huế hay Văn Thánh Miếu được xây dựng thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Phú Xuân cũ. Năm Minh Mạng thứ 5 (tức Giáp Thân, 1824), triều Nguyễn mới cho xây dựng Văn miếu Gia Định ở thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương. Tại tỉnh Vĩnh Long, đến năm Tự Đức thứ 17 (1864), văn thân trong tỉnh mới họp nhau dựng văn miếu ở thôn Long Hồ, huyện Vĩnh Bình.
Như vậy, có thể thấy trừ Văn miếu Hà Nội được xây dựng năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông và một số ít văn miếu có từ thời chúa Nguyễn (không rõ năm xây dựng), hầu hết các văn miếu ở những tỉnh khác trong cả nước được xây dựng vào các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức - tức sau Văn miếu Trấn Biên.
Thậm chí nếu xét một cách rõ ràng, thì Văn miếu Trấn Biên là văn miếu thứ hai của Việt Nam được xây dựng. Bởi vậy, di tích này không chỉ mang những giá trị to lớn về lĩnh vực giáo dục, mà còn gánh trọng trách chính trị trong chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi.
Tôn vinh giáo dục
Tượng Khổng Tử tại Văn miếu Trấn Biên. |
Với vai trò đặc biệt quan trọng, nơi dựng Văn miếu Trấn Biên được chú ý cả về ý nghĩa lẫn lĩnh vực phong thủy. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi rõ: “Phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt... Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo... Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn”.
Các sách khác, như “Gia Định thành thông chí” cũng ghi tương tự. Năm Giáp Dần thời trung hưng (1794), Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô vâng mệnh phụ trách trùng tu, giữa làm điện Đại Thành và cửa Đại Thành, phía Đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ. Đằng trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn. Chính giữa sân trước dựng Khuê Văn Các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường.
Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ thể chế rất tinh xảo. Đồ thờ có những thần bài, khám vàng, bình vàng, chén lôi mâm phủ đựng xôi, tộ đựng heo cúng, khay đựng dưa xổi đều chỉnh nhã tinh khiết.
Năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852) tiến hành lần trùng tu thứ 2. Đợt trùng tu cũng mở rộng thêm một số hạng mục. Chính đường và tiền đường đều 5 gian, lại dựng thêm 2 dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian. Đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, mỗi tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn Các 2 tầng, 3 gian 2 chái. Phía trước, biển Đại Thành điện đổi làm Văn Miếu điện và Khải Thánh điện đổi làm Khải Thánh từ.
Đến thời Tự Đức, văn miếu được xây dựng hoàn chỉnh và to đẹp nhất. Những lần xây dựng và trùng tu, văn miếu đều được đích thân các quan lại phụng mệnh người đứng đầu chính quyền Trung ương thời bấy giờ (Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Ánh, Tự Đức) thực hiện.
Ban đầu, Văn miếu Trấn Biên thờ Khổng Tử - người sáng lập Nho giáo. Vì thế, ngoài ý nghĩa mang tính chính trị, ngay từ buổi đầu Văn miếu Trấn Biên là nơi tôn vinh những giá trị của nền giáo dục Nho học.
Các tư liệu lịch sử thời Nguyễn cho biết, trước năm 1802, hằng năm đích thân chúa Nguyễn Phúc Ánh đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế, thì quan Tổng trấn thành Gia Định, thay mặt vua cùng với Trấn quan Biên Hòa và quan Đốc học đến hành lễ. Lệ đặt mỗi kỳ là 50 lễ sinh và 50 miếu phu.
Bên cạnh Văn miếu Trấn Biên thuở xưa chính là Tỉnh học (trường học tỉnh Biên Hòa). Đến đời vua Minh Mạng, trường học này mới di dời về thôn Tân Lân (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa). Với địa thế như vậy, Văn miếu Trấn Biên đóng vai trò là trung tâm văn hóa - giáo dục của tỉnh Biên Hòa xưa.
Vì thế khi đáo nhậm nhiệm vụ vào năm 1840, quan Bố chính Biên Hòa Ngô Văn Địch đã hết lời ca ngợi Văn miếu Trấn Biên qua đôi liễn: “Giang hán dĩ trạc, thu dương dĩ bộc, hạo hồ bất khả thượng/ Tôn miếu chi mỹ, bá quan chi phú, du giả vi ngôn”.
Kết nối dòng mạch văn hóa Việt
Từ khi được phục dựng, Văn miếu Trấn Biên không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục xưa và nay của vùng đất Đồng Nai và Nam Bộ. Tại đây còn thường xuyên tổ chức lễ viếng các bậc tiền nhân, lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian… thu hút đông đảo người dân và khách tham quan.
Mang ý nghĩa quan trọng nên năm 1861, ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được tỉnh Biên Hòa đã thực hiện đốt phá Văn miếu Trấn Biên nhằm dập tắt tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ.
Khi đó, người dân địa phương đã cất giấu đôi liễn khắc câu đối của quan Bố chính Ngô Văn Địch và đưa về cất tại dinh Hiệp Hưng, huyện Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương).
Tưởng một nền di sản bị phá nát sẽ mãi rơi vào quên lãng, nhưng năm 1998 – nhân kỉ niệm 300 năm thành lập và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên được phục dựng trên nền đất cũ.
Văn miếu Trấn Biên được phục dựng theo kiến trúc mà các tư liệu như: “Đại Nam nhất thống chí”, “Gia Định thành thông chí”... đã chép. Các hạng mục công trình được xây đối xứng theo một trục thần đạo, từ ngoài vào là Văn Miếu môn, nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, Đại Thành môn, tượng Khổng Tử, sân hành lễ, Nhà thờ chính. Hai bên có tả vu, hữu vu, nhà Đề danh, nhà truyền thống, Thư khố - Văn vật khố.
Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc - gốm tráng men. Lời khẳng định của danh sĩ Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” cũng được khắc trên tấm bia lớn, tái khẳng định sự quan trọng của việc đào tạo, rèn giũa nhân tài làm rường cột đất nước.
Trên các cột cũng treo những hàng câu đối, như: Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên/ Lớp lớp anh tài giang lục tỉnh/ Võ Trường Toản mở trường Gia Định/ Đời đời sĩ khí nối tam gia.
Văn miếu Trấn Biên thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục. |
Khu thờ phụng gồm nhà Bái đường xây dựng theo lối kiến trúc lối cổ. Bên trái thờ các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam gồm: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du. Bên phải thờ danh nhân gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam Bộ xưa: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh), Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa.
Giới nghiên cứu cho rằng, Văn miếu Trấn Biên đã kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa phương Nam. Đồng thời có tính kế thừa từ Văn miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội – nối liền dòng mạch văn hóa Đại Việt. Trong Bái đường văn miếu trưng bày 18kg đất và 18kg nước lấy từ vùng đất Tổ Phú Thọ - tượng trưng cho 18 đời vua Hùng, trống hội Thăng Long và các hiện vật tượng trưng cho ý nghĩa văn hóa Việt Nam.