Ngày xuân thăm Văn Miếu xứ Đoài

GD&TĐ - Vào một ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, tôi đến thăm Văn Miếu Sơn Tây. 

Lầu chuông, lầu khánh
Lầu chuông, lầu khánh

Thật sự ngỡ ngàng khi nhớ lại cách đây mấy năm, khu đất ấy còn là một tòa nhà 7 tầng của cơ sở chế biến thức ăn gia súc, mà nay đã khang trang bề thế bởi các dãy nhà có nền móng bằng đá ong, tường xây gạch chỉ, cửa gỗ bức bàn… được phục chế gần như nguyên bản của Văn Miếu xưa. Đủ biết nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét của văn hóa xứ Đoài…

Lần theo dấu xưa…

Văn miếu, tên đầy đủ là Văn Tuyên Vương miếu, còn được gọi là Khổng miếu hoặc Phu tử miếu, là miếu thờ Khổng Tử tại các nước Á Đông.

Ở nước ta, khi vua Gia Long lên ngôi đã cho xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế, (trước đó đã có Văn Miếu tại Thăng Long được xây dựng thời Lý), đồng thời hạ chỉ cho các trấn được phép lập nhà Văn Miếu để tỏ lòng kính trọng nho học. Văn miếu Sơn Tây là Văn Miếu của Trấn Tây - một trong 4 văn miếu của tứ trấn Thăng Long.

Các cụ cao niên kể lại: Thời nhà Nguyễn, Văn Miếu Sơn Tây đặt ở Cam Thịnh. Đến tháng 7 âm lịch năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), Văn miếu tỉnh Sơn Tây được dời đến làng Mông Phụ thuộc tổng Cam Giá Thịnh. Năm Thành Thái thứ 3, tổng đốc Sơn Tây là Long Cương Cao Xuân Dục cho trùng tu lại đồng thời soạn họ tên các vị giáp khoa mà khắc vào bia đá.

Theo một số tài liệu thì Văn Miếu Sơn Tây sau một số lần tu sửa đã được khánh thành vào năm 1892 (đời vua Thành Thái), toạ lạc trên một khu đất dáng hình chữ nhật thuộc thôn Văn Miếu – xã Đường Lâm ngày nay.

Văn Miếu xưa được hình thành với nhiều hạng mục công trình như: cổng tam quan , hồ nước, lầu chuông, lầu khánh, toà đại bái đường, nhà tả hữu vu, sân, hệ thống tường bao, hệ thống cây xanh và cây ăn quả. Ngoài chức năng là nơi thờ Đức thánh Khổng Tử và nhị thất thập vị hiền triết, trong Văn Miếu còn lưu 2 tấm bia khắc tên 288 vị đỗ khoa bảng của vùng xứ Đoài.

Phục dựng Văn Miếu Sơn Tây

Từ năm 1947 - 1954, do chiến tranh tàn phá, di tích này không còn tồn tại. Trước năm 2011, trên nền di tích, chính quyền đã cho xây dựng một cơ sở cao 7 tầng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Năm 2012, chính quyền thành phố Hà Nội cho di dời cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi này để phục dựng lại Văn miếu Sơn Tây.

Qua thời gian, nhiều hạng mục và công trình trong di tích đã bị xuống cấp, biến dạng. Các hiện vật cũng bị thất lạc, hiện chỉ còn một chiếc khánh đá được gửi lại Đình Mông Phụ. Đến năm 2008 được sự giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan cũng như sự ủng hộ của nhân dân, Văn Miếu Sơn Tây được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Cùng thời gian đó dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích Văn Miếu cũng được Nhà nước phê duyệt đầu tư.

Mãi lưu giữ nét văn hóa xứ Đoài

Đến với Văn Miếu Sơn Tây hôm nay, du khách rất vui mừng khi thấy một số hạng mục như: Văn Miếu Môn, Lầu chuông, Lầu khánh, toà Đại bái đường, nhà Tả Hữu mạc khải thánh, các trụ biểu, đường, sân ... đã được phục dựng gần như nguyên trạng. Hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng cũng đang dần hoàn thiện. Mấy năm nay, cứ vào đầu xuân, Thị xã Sơn tây lại phát động Tết trồng cây tại Văn Miếu Sơn Tây, giúp cho cảnh quan này càng xanh sạch đẹp, thu hút du khách gần xa.

Cụ từ đang trông giữ Văn Miếu cho biết: Phục dựng lại Khu di tích lịch sử với mục tiêu trở thành nơi sinh hoạt, tổ chức và diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hoá cộng đồng của địa phương, từ đó nhằm giáo dục truyền thống học tập, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cụ giới thiệu với chúng tôi về các khu chức năng của di tích gồm: Khu Văn Miếu (Nằm ở trung tâm khu di tích có trục thần đạo là trục Bắc - Nam, hướng vào chính là hướng Nam, gồm các khu Hồ sen, Tứ trụ, Nhà điều hành - đón tiếp, Nhà soạn lễ, Văn Miếu Môn, Lầu Chuông, Lầu Khánh, Tả Vu, Hữu Vu, Thượng điện và Đại Bái đường, Đền Khải thánh, Cổng phụ, Sân lễ hội); Bên cạn đó có khu Câu lạc bộ thư pháp; Khu khuyến học; Khu vườn tượng; Khu cây xanh cảnh quan…

Văn Miếu Sơn Tây ngoài chức năng thờ Khổng Tử và các vị tiên Nho, còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng, công tích của họ đã làm rạnh danh quê hương, đất nước. Di tích này là nơi nêu gương truyền thống hiếu học, khoa bảng - là biểu tượng của truyền thống Nho học, góp phần tô đẹp thêm truyền thống lịch sử, văn hoá ở vùng xứ Đoài.

Trước khi đi thi, các thí sinh thường đến thắp hương xin lộc cầu ước cho nguyện vọng thành đạt. Học sinh các cấp học trong vùng vẫn đến đây tham quan học tập để hiểu thêm về truyền thống hiếu học của quê hương. Những năm gần đây, vào ngày Rằm tháng Giêng, các thành viên của Câu lạc bộ thơ Xứ Đoài về đây bình thơ, xướng, họa rất vui.

Hy vọng sau khi được phục dựng hoàn thành, Văn Miếu Sơn Tây cùng với Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, làng cỏ Đường Lâm, Miếu Mèn… sẽ là những điểm đến du lịch tâm linh của xứ Đoài thơ mộng, thu hút khách thập phương gần xa mỗi khi về thăm vùng Ấp cổ Hai vua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ