Vào thế kỷ 19, thực dân Anh kiểm soát nhiều vùng đất trên thế giới, trong đó có 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ. Vào thời điểm đó, người Mỹ chống đối kịch liệt để giành lại lãnh thổ…
Mốc giới nhập nhằng khiến mâu thuẫn giữa hai bên nổ ra vào năm 1859, Anh điều dàn chiến hạm đến vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương. Một trận chiến quyết liệt suýt xảy ra, khiến người ta liên tưởng đến trận Bunker Hill thuở đầu của cách mạng Mỹ. Cuối cùng, nạn nhân duy nhất tử vong trong cuộc đụng độ này là một con lợn đang ăn khoai tây.
Khi lỗi thuộc về Hiệp định Oregon
Mỹ và Anh đều tuyên bố chủ quyền đối với xứ Oregon, lãnh thổ hai bên cùng chiếm đóng từ khi Hiệp định 1818 ra đời. Theo đó, ranh giới giữa Mỹ và vùng lãnh thổ Bắc Mỹ thuộc Anh nằm dọc từ Minnesota đến dãy núi Stony. Tuy nhiên, việc chung đụng ngày càng khiến hai bên thêm kèn cựa nhau.
Những người Mỹ theo chủ trương bành trướng kêu gọi sáp nhập bằng vũ lực toàn bộ vùng này lên đến vĩ tuyến 54°40′ bắc, sát vùng Alaska thuộc Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ, James Polk, đồng ý ký Hiệp định Oregon với Anh vào ngày 15/6/1846 tại Washington, D.C. Ranh giới duy trì ở vĩ tuyến 49° bắc, ngoại trừ đảo Vancouver vẫn thuộc về Anh.
Song Hiệp định Oregon không ghi rõ quần đảo San Juan phía nam Vancouver thuộc về bên nào, mà ghi mốc giới “ở giữa eo biển”. Những chuyên gia làm bản đồ vào thời ấy lại không biết rằng có tới hai eo biển Rosario và Haro nằm về phía đông và tây của San Juans.
Đảo San Juan là điểm đến lý tưởng cho những du khách thích hoạt động thám hiểm đại dương, với nhiều lựa chọn về các tour du thuyền ngắm cá voi.
Cuộc đụng độ nảy ra vì những củ khoai tây
Suốt 13 năm sau đó, cả Mỹ và Anh đều tuyên bố chủ quyền với San Juan. Quần đảo xa xôi này thực tế là một vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối vào eo biển Juan de Fuca. Năm 1859, Hudson’s Bay, một công ty Anh, đã biến đảo thành một trang trại cừu, nhưng ngày càng nhiều người Mỹ đến đây sinh sống. Với vị trí địa lý chính trị nhạy cảm, San Juan được ví như một quả bom nổ chậm chỉ chờ một mồi lửa.
Ngày 15/6/1859, vào đúng kỷ niệm 13 năm ngày Hiệp định Oregon ra đời, Lyman Cutler, một nông dân Mỹ, phát hiện ra một con lợn của người Anh đang sục sạo luống khoai tây của mình. Đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra, bác nông dân Cutler nổi giận, lấy ngay khẩu súng trường ra bắn chết con lợn.
Người trong vùng truyền tai nhau, Cutler không thể giấu nhẹm chuyện này, phải bỏ ra 10 USD đền bù cho anh hàng xóm Charles Griffin. “Nó đã ăn khoai tây của tôi!”, ông Cutler phàn nàn. Griffin không kém cạnh: “Ông phải có trách nhiệm để đống khoai tránh xa con lợn của tôi chứ!”.
Những chính khách vào cuộc
Tin tức về “Cuộc chiến lợn” lan truyền đến Washington, lực lượng Lục quân Mỹ cử Đại úy George Pickett tới San Juan để ổn định hòa bình. Hay tin này, phía Anh điều ba chiến hạm tới đảo lớn San Juan. May mắn, không có loạt đạn nào được bắn ra, quân đội hai bên lập căn cứ tại hai đầu hòn đảo và trở thành những bạn nhậu thân thiết, theo Condé Nast Traveler. Trong khi đó, những nhà ngoại giao giữa hai nước mất nhiều năm trời để tháo gỡ những rắc rối về bản đồ.
Cuối cùng, vào năm 1871, Hoàng đế Đức, Kaiser Wilhelm – trong vai trò người phán xử – quyết định vẽ lại đường biên giới xuống eo biển Haro, trao quần đảo cho Mỹ.
Đường biên giới giữa Mỹ và Canada ngày nay.
Quần đảo San Juan có tới 172 đảo lớn nhỏ với bốn đảo chính là San Juan, Orcas, Lopez và Shaw thu hút đông đảo khách du lịch. Để ra đảo, du khách có thể đi phà từ thành phố Anacortes, bang Washington; đặt chuyến bay thủy phi cơ từ sân bay quốc tế Seattle-Tacoma.
Trên đảo có nhiều hoạt động cho du khách từ mua sắm, khám phá ẩm thực, tới trải nghiệm khám phá như ngắm cá voi sát thủ, đạp xe xuyên rừng, cưỡi ngựa, chèo kayak, trượt zip-line ra biển, hay ngắm cảnh trên phi cơ cổ từ 1929…
Vẻ quyến rũ của đảo lớn San Juan.