Các tàu chở dầu ở vịnh Nakhodka, bên ngoài thành phố cảng Nakhodka, Nga, vào ngày 13/6. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Mỹ và châu Âu chưa quyết định mức giá ổn định, tuy nhiên, mức giá sàn sẽ được xác định trong khoảng 63-64 USD / thùng, Reuters đưa tin ngày 27/10.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng giới hạn giá trong khoảng 60 USD sẽ tạo động lực cho Nga tiếp tục sản xuất dầu.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi giới hạn giá là cách để cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Nguồn thu này được Mỹ và phương Tây cho là nguồn kinh phí chính để Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Giá thực tế sẽ được ấn định trong những tuần tới, ngay trước ngày dự kiến khởi động lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu Nga, và các hạn chế liên quan đối với vận chuyển và bảo hiểm dầu đường biển.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phủ nhận thông tin về phạm vi giá hiện nay, và từ chối cho biết chi tiết.
Tờ báo Bloomberg cũng đưa tin Hàn Quốc đã trao đổi riêng với nhóm G7 rằng họ sẽ tham gia kế hoạch này. Trong khi đó, các quan chức G7 cũng đang cố gắng thuyết phục New Zealand và Na Uy vào cuộc.
Theo Reuters, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Adrienne Watson, tuyên bố “Nhà Trắng và chính quyền đang đi đúng hướng trong việc áp đặt giới hạn giá dầu hiệu quả, mạnh mẽ đối với giá dầu của Nga bằng cách phối hợp với các nước G7 cùng các đối tác khác”.
Adrienne Watson thêm rằng, “Yellen nói với các phóng viên vào đầu tháng này rằng liên minh thúc đẩy giới hạn giá bao gồm nhóm G7, Liên minh châu Âu và Úc, và họ "không muốn thuyết phục thêm các quốc gia khác vào liên minh này".
"Đối với chúng tôi, thành công sẽ không đến từ việc có bao nhiêu quốc gia đứng lên nói rằng “Chúng tôi ủng hộ những gì bạn đang làm, chúng tôi là một phần của liên minh". Điều chúng tôi muốn thấy là dầu của Nga vẫn tiếp tục sản xuất đưa vào thị trường và các quốc gia khác sẽ cân nhắc về định mức giá sàn để mặc cả dầu với giá thấp hơn".