Trong cuộc phỏng vấn của tờ Washington Post được công bố hôm 23 tháng 7, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine (UAF), Oleksandr Syrsky đã không đả động gì đến số lượng tên lửa chiến thuật ATACMS hiện có.
Cuộc phỏng vấn diễn ra trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt ở mặt trận phía đông, nơi UAF đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ lực lượng Nga.
Phóng viên của Washington Post đã hỏi ông Syrsky về tình trạng sẵn có của các tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp, nhưng vị tổng tư lệnh chỉ trả lời chung chung, tránh trả lời trực tiếp.
Tờ báo, trích dẫn nguồn tin của mình, cho rằng kho dự trữ ATACMS được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Nga rất có thể đã cạn kiệt. Lần sử dụng tên lửa này được xác nhận gần đây nhất được ghi nhận vào đầu tháng 7, điều này có thể cho thấy nguồn cung bị hạn chế hoặc cạn kiệt do sử dụng quá mức.
Tuyên bố của ông Syrsky và bài phân tích của ấn phẩm đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà phân tích đang đánh giá năng lực của Ukraine trong bối cảnh viện trợ quân sự từ phương Tây.
Cả Kiev lẫn Washington đều chưa xác nhận hay bác bỏ những giả định của tờ báo, khiến câu hỏi về tình trạng kho vũ khí của Lực lượng Vũ trang Ukraine vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho rằng, việc chuyển giao cho Ukraine tên lửa ATACMS, máy bay chiến đấu F-16 và xe tăng Abrams là vô dụng bởi chúng không có tác động nào đến chiến sự.
Cụ thể, những vũ khí trên đã không thể thay đổi căn bản tình hình chiến trường theo hướng có lợi cho Kiev. Tuyên bố này nhấn mạnh sự phức tạp và mơ hồ của cuộc xung đột tại Ukraine, bất chấp sự hỗ trợ đáng kể từ các nước phương Tây.
Kể từ khi bùng nổ xung đột với Nga vào năm 2022, Ukraine đã nhận được hỗ trợ quân sự rộng rãi từ Mỹ và các đồng minh. Phương Tây đã cung cấp nhiều vũ khí, bao gồm cả những loại công nghệ cao nhằm mục đích thay đổi tình hình trong cuộc chiến chống lại Quân đội Nga.
Tuy nhiên theo những gì Reuters ghi nhận, vũ khí được cung cấp không đạt được hiệu quả như mong đợi, cho dù số lượng bàn giao là rất đáng kể.
Tên lửa ATACMS với tầm bắn 300 km, được giới thiệu là phương tiện có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược phía sau phòng tuyến của Nga.
Tiêm kích hạng nhẹ F-16, nổi tiếng với độ linh hoạt cao và khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể lực lượng không quân của Ukraine.
Cuối cùng, nổi tiếng về khả năng bảo vệ đáng tin cậy đi kèm hỏa lực cực mạnh, đó là xe tăng chủ lực Abrams được coi là có khả năng thay đổi cục diện chiến đấu trên bộ.
Tuy nhiên theo một nguồn tin trong chính quyền Mỹ, ngay cả khi có những sự can thiệp đáng kể vào tiềm năng quân sự của Ukraine, tình hình ở mặt trận vẫn không có lợi cho Kiev.
Lực lượng Nga được cho là có khả năng thích ứng với các mối đe dọa mới bằng cách tăng cường hệ thống phòng không và phát triển những chiến thuật để chống lại công nghệ phương Tây.
Không chỉ có vậy, các vấn đề liên quan đến hậu cần, huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các thiết bị phức tạp và bảo trì cũng đóng vai trò hạn chế hiệu quả đối với số vũ khí này.
Thông tấn Anh cho rằng, sự công nhận như trên có thể châm ngòi cho các cuộc thảo luận ở cả Mỹ và đồng minh phương Tây về các chiến lược trong tương lai để hỗ trợ Ukraine.