Chương trình GD nâng cao các môn chuyên: Bước chuyển nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên dành cho trường THPT chuyên.

Cô và trò Trường THPT chuyên Lào Cai. Ảnh: NTCC
Cô và trò Trường THPT chuyên Lào Cai. Ảnh: NTCC

Chương trình ban hành sẽ khắc phục hạn chế lâu nay đó là chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định cụ thể nội dung chương trình nâng cao các môn chuyên, giúp đảm bảo thống nhất tổ chức giảng dạy giữa các địa phương, cơ sở giáo dục.

Cụ thể hóa định hướng phát triển giáo dục mũi nhọn

Ông Lê Văn Lục - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Phòng) cho rằng, Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên vô cùng cần thiết. Trường THPT chuyên có sứ mệnh phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đam mê trong các lĩnh vực chuyên sâu (Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Văn học, Ngoại ngữ...).

Tuy nhiên, nhiều năm qua, các trường chủ yếu dựa vào chương trình GDPT hiện hành, tự xây dựng kế hoạch dạy học môn chuyên theo hướng dẫn chung; dẫn đến thiếu thống nhất, chiều sâu, chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu phát triển giáo dục mũi nhọn.

Việc Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành chương trình giáo dục nâng cao là bước đi kịp thời, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục 2019, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình GDPT 2018 đã, đang được triển khai đồng bộ.

Về dự thảo Chương trình giáo dục nâng cao dành cho các môn chuyên, ông Lê Văn Lục nhận định: Bộ GD&ĐT đã đầu tư công phu, thể hiện qua cấu trúc rõ ràng, mục tiêu cụ thể, nội dung khoa học và định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Chương trình làm rõ đặc thù của môn chuyên, thể hiện ở việc mở rộng, nâng cao, chuyên sâu hơn so với chương trình GDPT hiện hành; đồng thời định hướng tích hợp ứng dụng, phát triển tư duy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, từ góc độ thực tiễn triển khai, ông Lê Văn Lục có một số góp ý. Theo đó, cần hướng dẫn cụ thể về thời lượng phân bổ giữa kiến thức cốt lõi, kiến thức nâng cao và hoạt động trải nghiệm nghiên cứu khoa học. Đồng thời, bổ sung ví dụ minh họa, định hướng về phương pháp tổ chức dạy học, đánh giá phù hợp với từng môn chuyên. Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành tài liệu hướng dẫn, tài liệu tham khảo chuẩn để tạo sự thống nhất và hỗ trợ giáo viên thực hiện.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Chí - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bến Tre (Vĩnh Long) cho rằng, ban hành Chương trình giáo dục nâng cao các môn chuyên là cụ thể hóa thành quy định có tính chất pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và đam mê với các lĩnh vực chuyên sâu, cụ thể hóa định hướng phát triển giáo dục mũi nhọn.

Dự thảo về nội dung này của Bộ GD&ĐT trình bày rõ ràng, có mục đích cụ thể và cơ sở pháp lý; nêu rõ mục tiêu của chương trình nâng cao, yêu cầu cần đạt và chương trình giảng dạy, quy định cụ thể các nội dung nâng cao của môn học, việc tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên căn cứ thực hiện.

“Chương trình này giúp các trường chuyên có khung pháp lý rõ ràng, thống nhất để triển khai các môn học chuyên sâu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các trường sẽ có định hướng cụ thể hơn trong xây dựng kế hoạch giảng dạy, biên soạn tài liệu, đánh giá học sinh chuyên.

Triển khai chương trình thúc đẩy các trường đầu tư bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy môn chuyên. Đây là cơ sở để nhà trường xây dựng chương trình dạy học cụ thể, phát huy tốt hiệu quả dạy học, nâng cao chất lượng”, ông Nguyễn Minh Chí chia sẻ.

Ông Ngô Thanh Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) đánh giá cao sự tiếp cận hiện đại, coi trọng phát triển năng lực học sinh chuyên, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức. Các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đã đề cập tương đối rõ, đặc biệt năng lực nghiên cứu, giải quyết vấn đề, tư duy logic, sáng tạo. Tính liên thông, kế thừa từ Chương trình GDPT 2018 được chú trọng, tạo thuận lợi cho học sinh không bị “gãy mạch học tập”.

Góp ý dự thảo, ông Ngô Thanh Xuân cho rằng, về nội dung kiến thức, cần có hướng dẫn cụ thể về mức độ nâng cao, tránh để các trường tự diễn giải dẫn tới chênh lệch chất lượng giữa các địa phương. Nên thiết kế chương trình theo các trục chủ đề lớn kèm mô tả yêu cầu, giúp giáo viên dễ dàng tổ chức dạy học linh hoạt, sáng tạo nhưng không xa rời chuẩn.

Về học liệu, dự thảo cần làm rõ hơn định hướng sử dụng tài liệu giảng dạy: Có ban hành sách giáo khoa hoặc bộ tài liệu thống nhất toàn quốc không? Nếu không, cần khuyến nghị nguồn tài liệu, hoặc mẫu khung học liệu tối thiểu.

Về đào tạo giáo viên: Chương trình nâng cao đòi hỏi giáo viên có kiến thức chuyên sâu, khả năng tổ chức hoạt động học thuật. Do đó, cần song song có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn hóa giáo viên dạy chuyên và cơ chế tuyển chọn, đánh giá phù hợp.

buoc-chuyen-nang-chat-luong-giao-duc-mui-nhon3.jpg
Ảnh minh họa INT.

Chuẩn bị điều kiện đáp ứng chương trình mới

Nhận diện khó khăn khi triển khai, theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, không phải trường chuyên nào cũng có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu năng lực dạy học nâng cao. Sự chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu học tập giữa các trường có thể gây khó khăn trong triển khai đồng bộ. Việc chuyển tiếp từ chương trình hiện hành sang nâng cao mới có thể tạo áp lực cho cả giáo viên và học sinh nếu không có lộ trình rõ ràng.

“Chúng tôi xác định chủ động xây dựng chương trình chuyên hóa theo định hướng của Bộ GD&ĐT, lồng ghép các mục tiêu năng lực vào kế hoạch giáo dục nhà trường. Đồng thời, thành lập nhóm chuyên môn chuyên sâu, xây dựng ngân hàng chủ đề học tập, câu hỏi phát triển năng lực, học liệu mở.

Tăng cường liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức seminar, hội thảo khoa học nhằm nâng cao trình độ giáo viên và tạo môi trường học thuật cho học sinh. Chú trọng tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh chuyên, tránh học lệch hoặc quá tải vì đua theo thành tích. Cùng đó, mong Bộ GD&ĐT ban hành kịp thời tài liệu hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy chuyên trên toàn quốc”, ông Ngô Thanh Xuân chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Văn Lục cho rằng, khó khăn là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chương trình mới còn hạn chế, nhất là giáo viên lớn tuổi; một số nội dung chương trình đòi hỏi phương pháp dạy học hiện đại, cần thời gian để giáo viên thích ứng; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học chuyên sâu chưa đồng đều giữa các địa phương.

Chia sẻ giải pháp, ông Lê Văn Lục cho biết, nhà trường sẽ chủ động rà soát, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuyên qua các hoạt động chuyên môn cấp thành phố, cụm và phối hợp với các trường đại học. Tăng cường liên kết, mời chuyên gia, giảng viên đại học tham gia hỗ trợ chuyên môn. Triển khai thí điểm một số mô hình dạy học tích hợp, nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Khuyến khích giáo viên tự học ngoại ngữ để khai thác tài liệu, đề thi bằng tiếng nước ngoài, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong dạy học, quản lý. Nhà trường sẽ tích cực hướng dẫn học sinh phương pháp học, đặc biệt phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời, kiến nghị sở GD&ĐT, UBND thành phố hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu, đặc biệt giai đoạn đầu thực hiện chương trình mới.

Chương trình chuyên không đơn thuần dạy kiến thức sâu, khó, mà là một môi trường học thuật đích thực, nơi học sinh được rèn luyện tư duy, phương pháp nghiên cứu, sáng tạo và hình thành năng lực học thuật chuyên sâu. Một chương trình được thiết kế bài bản, có định hướng năng lực, độ mở linh hoạt sẽ là nền tảng vững chắc thực hiện sứ mệnh đó. - Ông Ngô Thanh Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây hồ đằng rễ mành.

Phát hiện tác dụng đặc biệt của cây hồ đằng rễ mành

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Cửu Long đã nghiên cứu cây hồ đằng rễ mành hỗ trợ điều trị các bệnh lý viêm mạn tính và đái tháo đường.

Minh họa/INT

Chuyện cũ phát tác

GD&TĐ - Đúng vào dịp nửa năm của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai, ông Donald Trump lại phải trực diện một chuyện cũ vừa đau đầu, vừa khó xử.