Quà tặng và cách tặng quà

GD&TĐ - 20/11 đã qua đi trong niềm hạnh phúc nhưng vẫn còn đó trong tôi, trong một số bạn bè đồng nghiệp những trăn trở.

Quà tặng và cách tặng quà

Hằng năm, vào những dịp 20/11 hay 8/3,... các đồng nghiệp của tôi vừa vui lại vừa buồn. Họ vui trong cái tình cảm nồng ấm của học sinh, phụ huynh, của những món quà tuy nhỏ nhưng đậm nghĩa tình tôn sư trọng đạo. Thế nhưng, đó đây vẫn còn có những chút buồn lòng bởi sự thiếu tinh tế của một số phụ huynh, học sinh.

Vì một vài lý do, họ tìm cách tặng quà cho thầy, cô giáo một cách vô tâm, vội vã. Có khi là một góc hành lang, một góc trường,.. lại có những chiếc phong bì được mang đến cả vào ngày 21, 22/11.... khiến người nhận thực sự cảm thấy thiếu được tôn trọng. Trong phạm vi bài viết này, tôi mong muốn được bày tỏ một vài quan điểm về nét văn hóa tặng quà.

Tặng quà một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam; việc làm đó không chỉ tỏ tình cảm, thể hiện sự quan tâm mà còn giúp mọi người gắn kết với nhau. Tặng quà vào những dịp đặc biệt là thói quen thông thường, nhưng để trở thành yêu thương tinh tế và đem đến niềm vui bất ngờ cho người nhận lại là cả một nghệ thuật.

Tặng quà là một cách chúng ta thể hiện sự quan tâm đến nhau. Có những món quà dù giá trị không lớn nhưng khiến người nhận thấy xúc động, thấy vui; ngược lại, cũng có những món quà có giá trị nhưng lại khiến người nhận có chút chạnh buồn.

Bởi khi tặng quà cho một người nào đó, giá trị của món quà không quan trọng bằng việc bạn đã tặng món quà đó như thế nào.

Vậy tặng quà như thế nào là đúng, là có ý nghĩa, mang lại niềm vui cho người nhận và cả bản thân người tặng?

1. Lựa chọn quà tặng

Không phải giá trị quà tặng càng cao thì niềm vui đến với người nhận càng lớn, cũng không có nghĩa chúng phải lựa chọn những món quà quá rẻ tiền. Nếu món quà quá rẻ tiền, nghèo nàn về mặt ý nghĩa thì dễ dẫn đến bị hiểu lầm là bạn coi thường họ, đặc biệt là với những người quan hệ không thân thiết. Nhưng nếu quà tặng quá đắt tiền, lại khiến người nhận ngại ngùng, nghi ngờ về ý đồ tặng quà của bạn, có thể từ chối không nhận.

Nếu như đối phương không nhận, bạn đã tốn tiền mua lại chuốc thêm nhiều phiền não, giống như câu nói trong dân gian “Tiền mất tật mang”, tại sao lại khổ như vậy?Nếu quà quá rẻ, người nhận không trân trọng, cũng dẫn đến tác dụng ngược lại.

Lại có những món quà không hợp với sở thích, tâm tư của người nhận, cũng khiến cho món quà đó giảm đi giá trị tinh thần.

Quà tặng chứa đựng tình cảm. Bất kì quà tặng nào đều thể hiện tình cảm đặc biệt của người được tặng, hoặc để cảm ơn, chúc mừng,hoặc là kính thầy, quý mến hoặc tình yêu…Do vậy, việc chọn quà, bắt buộc phải xuất phát từ tình cảm của người tặng và phải là cho người được tặng cảm nhận được tấm lòng của bạn .

Chẳng hạn, tặng một cây hoa cho người thích trồng hoa, nhất định học sẽ rất vui.

Tặng cho bạn ở xa một tấm ảnh,một clip về trường xưa nhất định sẽ làm cho họ hồi tưởng lại kí ức đẹp đẽ về thời học sinh.

Tặng tác phẩm nổi tiếng cho người bạn thích văn chương, nhất định họ sẽ không rời tay.

Vì vậy chọn quà đắt hay rẻ, có hợp với người nhận hay không là điều cần được lưu ý. Trong nhân gian, nhiều người chỉ vì nắm bắt được sở thích của đối tác, thông qua quà tặng mà làm nên việc lớn.

2. Thời điểm và cách tặng quà

Có câu nói "Quà tặng không quan trọng bằng cách tặng".

Tặng quà không thể tùy tiện.Thời điểm thích hợp để tặng quà cũng phải nghiên cứu kỹ, qua lúc đó hoặc cách quá xa đều không thích hợp.

Chẳng hạn, nếu không phải vì một lý do thật đặc biệt,chúng ta chúc mừng thầy cô giáo vào ngày 21/11 thì sẽ không còn ý nghĩa, sẽ làm thầy, cô cảm thấy chạnh buồn bởi sự vô tâm; hay nếu chúng ta tặng quà từ trước đó 4 đến 5 ngày cũng dễ dàng bị hiểu lầm là tặng quà như một nghĩa vụ.

Bên cạnh lựa chọn thời điểm thì không gian tặng quà cũng vô cùng quan trọng, nó quyết định 50% sự thành công . Những món quà được trao vội, dấm dúi ở góc hành lang, con hẻm,…tạo cảm giác không thoải mái, như vụng trộm, như thiếu trân trọng. Có những món quà cần được trao trang trọng trước đám đông, nhưng cũng có những món quà lại cần không gian chỉ có hai người…

Người tặng có thể là kẻ dư dả tiền bạc hoặc là người có lòng thích giúp đỡ người khác thường quà lớn quà bé đem tặng - điều đó thật đáng trân trọng . Có người dùng cách này để chiếm được tình cảm của người khác - suy cho cùng thực sự không nên.

Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Việt Nam. Người Việt Nam coi trọng các mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem như một sợi dây gắn kết con người lại với nhau và giúp thể hiện tâm tư, tình cảm và sự trân trọng. Chỉ qua một món quà nhỏ mà ta có thể thấy ở trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa sâu sắc và rất nhân văn của người Việt Nam.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.