Quá tải trong tuyển sinh lớp 1: Đã sẵn sàng phương án giảm "nhiệt"

GD&TĐ - Nhiều năm nay, tại các thành phố lớn, tình trạng quá tải trong tuyển sinh lớp 1 vẫn “đến hẹn lại lên”. Để khắc phục, ngành Giáo dục các địa phương đã áp dụng nhiều phương cách để giảm tải.

Sĩ số lớp học bảo đảm sẽ giúp HS được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ GV. Ảnh: TG
Sĩ số lớp học bảo đảm sẽ giúp HS được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ GV. Ảnh: TG

Kết hợp trực tuyến với trực tiếp

Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến, năm học 2021 - 2022 sẽ tuyển khoảng 158.940 học sinh (HS) lớp 1. Để tránh áp lực cho công tác tuyển sinh đồng thời thực hiện tốt phòng chống dịch Covid -19, Hà Nội tiếp tục kết hợp hình thức tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến.

Cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Năm học 2020 – 2021, trường tuyển sinh 80% HS lớp 1 qua trực tuyến. Đa số phụ huynh đón nhận tích cực hình thức tuyển sinh này, chỉ một số ít gia đình vì lý do riêng hoặc hạn chế về điều kiện tiếp cận công nghệ mới tới trường đăng ký tuyển sinh trực tiếp.

Để công tác tuyển sinh trực tuyến với lớp 1 đạt hiệu quả, nhà trường dành một phòng máy vi tính nhằm hỗ trợ tối đa phụ huynh không có điều kiện về công nghệ thông tin làm thủ tục đăng ký học cho con. Mặt khác, cử giáo viên (GV) hướng dẫn đăng ký trực tuyến cho phụ huynh tại trường. Trường cũng cung cấp số điện thoại để sẵn sàng hướng dẫn tuyển sinh khi phụ huynh vướng mắc yêu cầu hỗ trợ...

“Việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho trực tiếp. Đặc biệt, giảm đáng kể tình trạng tập trung đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp…” – cô Nguyễn Thị Thúy Minh khẳng định.

Cô Nguyễn Thị Phi Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây – Hà Nội) cũng cho biết: Năm học 2020 – 2021, tỉ lệ HS lớp 1 đăng ký đầu vào qua trực tuyến vào trường đạt 85%. Việc tuyển sinh trực tuyến thuận lợi không chỉ cho gia đình mà về phía nhà trường cũng nắm bắt nhanh số lượng HS đã đăng ký, HS nào chưa đến?... Từ đó, bộ phận phổ cập tiếp tục vận động phụ huynh học sinh đăng ký đúng thời gian.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Phi Nga, vẫn còn một bộ phận phụ huynh HS có tâm lý phải nhập hồ sơ trực tiếp tại trường mới yên tâm. Đáp ứng nhu cầu này, bộ phận hướng dẫn tuyển sinh của nhà trường vẫn tiếp nhận bình thường. Dự kiến năm học tới, Trường Tiểu học Trần Phú  đón 5 lớp 1 với 175 HS, trung bình khoảng 37 HS/lớp.

Chị Nguyễn Như Quỳnh, phụ huynh học sinh ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội nói: Năm ngoái làm thủ tục tuyển sinh trực tuyến cho con vào lớp 1, tôi thấy rất thuận tiện, hết nỗi lo phải đi sớm “xí” chỗ học. Gia đình có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con đúng ngày giờ dù đang ở Hà Nội hay đi du lịch.

Không còn cảnh phải xếp hàng trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt an tâm và tránh tiếp xúc đông người khi dịch Covid-19 chưa được ngăn chặn hoàn toàn. Năm nay, con lớn vào lớp 6, gia đình sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để đăng ký nhập học… 

Dạy học lớp 1 theo CTGDPT 2018 hiệu quả cần sĩ số HS/lớp đúng quy định. Ảnh: TG.
Dạy học lớp 1 theo CTGDPT 2018 hiệu quả cần sĩ số HS/lớp đúng quy định. Ảnh: TG.

Phân luồng - Giảm áp lực đầu cấp

Trong các nỗ lực giảm tải, giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế.

Theo bà Trần Thị Thùy Dung – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai, tính trên toàn thành phố, tỉ lệ HS lớp 1 không cao nhưng vẫn tồn tại tình trạng tăng ở một số khu đông dân cư.

Để giảm áp lực tuyển sinh, thành phố Lào Cai lần đầu tiên áp dụng tuyển sinh lớp 1 theo hình thức trực tuyến. Phòng GD&ĐT đang chuẩn bị công tác tập huấn tuyển sinh trực tuyến cho cán bộ, GV. Cuối tháng 4 sẽ chạy thử đường truyền trực tuyến tuyển sinh để hoàn thiện.

Cũng theo bà Trần Thị Thùy Dung: Phòng GD&ĐT thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ quá tải cho tuyển sinh lớp 1. Trước hết, tham mưu cùng thành phố tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phòng lớp học đủ theo nhu cầu các trường; Làm tốt phân luồng HS đầu cấp. Sắp xếp đều GV nòng cốt trong các trường để trường nào cũng có GV tốt, tạo niềm tin, uy tín cho phụ huynh khi chọn trường.

Mặt khác, phòng triển khai chuyên đề cho trẻ MN 5 tuổi làm quen các trường tiểu học, giúp trẻ quen dần với trường lớp, tránh tình trạng chỉ dồn vào 1 trường. Nhà trường phát huy vai trò của Ban phổ cập phường, xã để thực hiện tuyên truyền giáo dục theo chủ đề: Tuyển sinh đầu cấp, tránh chọn trường lớp…

Tại Lào Cai, hiện tỉ lệ HS lớp 1/lớp đạt trung bình từ 38 - 40 HS. Nhưng với lớp đông HS, các trường đều bố trí phòng học có diện tích rộng hơn. Sắp xếp hợp lý để không gian lớp học không chật chội.

Tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, các quận huyện đã nỗ lực đầu tư xây mới nhiều trường, lớp học để tránh quá tải cho HS đầu cấp trong đó có HS lớp 1. Thống kê của quận Hoàng Mai, năm học 2020 - 2021 số lượng học sinh tăng tập trung ở nơi có nhiều tòa nhà cao tầng mới đưa vào sử dụng, dẫn đến quá tải ở một số trường. Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND quận cải tạo, nâng cấp 15 trường học, bổ sung 91 phòng học mới và chuẩn bị khởi công 4 trường học trên địa bàn…

Tại quận Hà Đông, năm 2020, quận xây dựng mới thêm 5 trường học, trong đó có 3 trường tiểu học để bổ sung cho các phường có đông dân cư sinh sống. Với huyện Đan Phượng, dành từ 35% - 40% ngân sách đầu tư cho giáo dục đồng thời tập trung thực hiện tách trường ở một số nơi có chiều hướng gia tăng về quy mô HS.

Để giảm nhiệt cho công tác tuyển sinh lớp 1 và quá tải sĩ số cục bộ, bên cạnh quy hoạch mạng lưới trường học, đầu tư công bằng cho giáo dục công lập và ngoài công lập, mở rộng thêm trường, lớp học…, phụ huynh cần nâng cao ý thức, hiểu biết về giáo dục. Tránh tình trạng bằng mọi cách để con được học “trường ngon, lớp xịn”… Nhận thức thiếu đúng đắn của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng quá tải trường, lớp ở một số thành phố lớn. - TS Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ