Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải học sinh tiểu học trong một lớp như: Bố mẹ cùng đổ dồn gửi con vào một số trường “tốt”, trường trung tâm; cơ sở vật chất trường lớp chưa theo kịp sự tăng nhanh về dân số; một số thành phố lớn không đủ quỹ đất để xây dựng phát triển thêm số phòng học… và một nguyên nhân ảnh hưởng chính lâu nay của tình trạng quá tải vẫn được nhắc tới đó là sự xuất hiện nhanh số lượng các khu đô thị, chung cư cao tầng mới khiến dân số tăng nhanh và nhu cầu của người dân luôn vượt xa so với sức tải của hệ thống các trường công lập song lại chưa có sự quan tâm đúng, đầy đủ trong vấn đề quy hoạch mạng lưới trường học.
Để chuẩn bị cho năm học mới, tại các thành phố lớn hầu hết đều tiến hành sửa chữa, cải tạo, xây dựng bổ sung, xây mới… trường lớp; tổ chức phân
luồng, phân tuyến học sinh hợp lý tuy nhiên số học sinh ở độ tuổi vào lớp 1 tăng (đặc biệt đột biến vào những năm tuổi đẹp) thì sự chuẩn bị đó chỉ mang tính tương đối, tình trạng quá tải, bình quân sĩ số từ 45 - 55 học sinh/lớp vẫn tồn tại và không thể giải quyết vấn đề triệt để.
Quá tải sĩ số đã và đang dẫn tới tình trạng một số trường tiểu học phải áp dụng nghỉ học 1 ngày trong tuần và bù vào buổi học ngày thứ Bảy. Điều đó mang tới sự thay đổi, phiền hà nhất định tới đời sống của cả giáo viên lẫn gia đình và học sinh. Tuy nhiên sự lo lắng và đáng quan ngại hơn cả vẫn là vấn đề chất lượng giáo dục có được đảm bảo trong tình trạng quá tải.
Mỗi tiết học chưa tới 40 phút, lớp học lại có từ 45 - 50 thậm chí 60 học sinh ở độ tuổi chưa quen với kỉ luật trật tự cao thì công việc và trách nhiệm đi kèm giảng dạy của mỗi giáo viên vô cùng vất vả nếu không nói vượt quá khả năng của giáo viên.
Theo phân tích của GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: Quy định 35 học sinh/lớp là con số đã dựa trên những cơ sở khoa học. Khi lớp học quá đông sẽ khiến khả năng quan sát của giáo viên rơi vào tình trạng không xuể, từ đó sự sâu sát không đảm bảo.
Mặt khác, học sinh đông trong một không gian lớp học chật hẹp sẽ khiến giáo viên khó khăn trong việc tổ chức học nhóm, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, hạn chế khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học…
Một giáo viên tiểu học cũng chia sẻ: Lớp quá đông so với quy định cũng có thể dẫn tới tình trạng học sinh không theo kịp bài giảng của giáo viên nhưng lại không được quan tâm, bù lấp kịp thời, kiến thức hổng, học đối phó. Trong một lớp học, trình độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Học sinh yếu sẽ thiệt thòi vì giáo viên không thể dừng lại quá lâu để quan tâm, bù lấp triệt để cho một vài học sinh không theo kịp.
Hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh của giáo viên cũng thông qua quan sát, nắm bắt… nếu sĩ số đông sẽ bị hạn chế và giáo viên không có sự điều chỉnh, thông tin phản hồi kịp thời của học sinh. Kết thúc năm học, công tác nhận xét, tổng kết học bạ học sinh không thể cụ thể, chi tiết theo mong muốn. Rõ ràng việc quá tải sĩ số trong một lớp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, thiệt thòi cho học sinh trong quá trình học tập.
Điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ đòi hỏi sự đổi mới của giáo viên mà còn cả điều kiện về cơ sở vật chất. Mặt khác, giáo dục đã và đang đặt ra yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, giảm sĩ số lớp học, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày… để chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao thì việc quá tải sĩ số sẽ là rào cản lớn.
Điều đó đòi hỏi các địa phương, trường học trong quá trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục cần làm tốt khâu rà soát cơ sở vật chất, đảm bảo sĩ số học sinh đúng theo quy định.