Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị An Quyên (Giám đốc IvyPrep Education) chia sẻ với PV Báo GD&TĐ về một góc nhìn trong thực trạng và phương pháp dạy và học tiếng Anh hiện nay.
- Có nhiều ý kiến về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay. 5 năm gần đây bà tham gia vào việc tổ chức cuộc thi tiếng Anh quy mô toàn quốc cho HS tiểu học và HS THCS. Năm 2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với IvyPrep Education để khảo sát đưa ra thực trạng về học tiếng Anh từ lớp 4 đến lớp 8. Là người tiếp cận với việc học tiếng Anh của HS phổ thông, bà có nhận định gì về thực trạng học tiếng Anh hiện nay?
Theo tôi hiện nay vẫn có sự phân loại quan điểm học tiếng Anh ở trường tư và trường công. Bản chất của việc học tiếng Anh là phải sử dụng được tốt tiếng Anh, ở đây tôi không nói đến yếu tố điểm số, vì điểm số cao môn tiếng Anh chưa chắc đã giỏi về tiếng Anh, mà quan trọng là HS đó có dùng được tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2, sau đó lên ĐH, đi du học, đi làm thì tiếng Anh có được sử dụng trôi chảy hay không.
Vậy để có thể sử dụng tiếng Anh tốt thì quan trọng là phải tăng thời lượng tiếp xúc với tiếng Anh hàng ngày của HS. Theo tôi có 2 cách, một là HS học ở các lớp học và hai là tự học ở nhà. Đối với các trường tư hiện nay đang có một lợi thế là thời lượng, số tiết học tiếng Anh ở các trường tư linh hoạt hơn, nhiều hơn hẳn so với các trường công.
Theo tôi được biết thì ở nhiều trường tư hiện trung bình mỗi HS cũng có khoảng từ 8 đến 12 tiết học tiếng Anh trong một tuần học trên lớp. Trên thực tế quan sát hàng vạn HS tham dự một cuộc thi tiếng Anh quy mô toàn quốc tôi thấy rằng, về mặt bằng chung trình độ tiếng Anh của HS trường tư có nhỉnh hơn so với HS ở trường công.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là nếu xét đến “lever” (cấp) sử dụng tiếng Anh ở những bậc cao hơn (trong tiếng Anh học thuật, hoặc đánh giá qua các cuộc thi được chuẩn hóa quốc tế) thì HS ở trường công lại có xu hướng điểm thi tiếng Anh cao hơn, nói nôm na là trường công có nhiều HS đạt “đỉnh cao” về tiếng Anh hơn ở các trường tư.
Đó chính là đặc điểm của giáo dục Việt Nam là HS ở trường công dường như có sức ép về học tập nên có sự ôn luyện chăm chỉ hơn; còn HS ở trường tư thường có tâm lý học tập thoải mái hơn, thoáng hơn, dù có dùng tiếng Anh gần như hàng ngày song HS trường tư phần nhiều các bạn tự tin về “mặt bằng” tiếng Anh tốt, không chịu áp lực quá cao về các kỳ thi, nên khi tham gia thi thố tài năng tiếng Anh ở những cuộc thi có uy tín thì HS trường tư thường có tâm lý rất thoải mái, mặt bằng chung HS trường tư đạt được thường vào khoảng 6.5- 7.0 là các bạn trường tư đã thấy “ổn” rồi.
Còn các bạn ở trường công đã có năng lực học tiếng Anh thì thường tham gia nhiều lớp ôn luyện để có được thành tích tốt nhất, điểm của các bạn trường công thi tiếng Anh đã cao thì cao vọt lên hẳn. Nói nôm na thì tỷ lệ HS ở trường công trình độ tiếng Anh đạt loại khá thì không nhiều bằng ở trường tư, song tỷ lệ HS đạt trình độ giỏi và xuất sắc lại cao hơn trường tư.
Chúng tôi cũng có thể thống kê số HS đạt trình độ khá và giỏi khi tổ chức cuộc thi với quy mô hàng vạn HS tham gia (cả trường tư và trường công). Khi thống kê thì sẽ thấy rõ ràng mặt bằng chung HS trường tư tiếng Anh tốt hơn, song những HS vượt trội hẳn thường lại là HS trường công.
- Qua tiếp xúc với nhiều HS ở nhiều lứa tuổi (từ tiểu học đến THCS) ở nhiều trường, ở nhiều địa phương, bà có nhận xét gì về phương pháp dạy tiếng Anh hiện nay?
Tôi nghĩ rằng vấn đề phải đến từ 3 phía: Trước hết là phương pháp dạy của giáo viên. Tiếp nữa là phương pháp học của học sinh. Vấn đề không thể xem nhẹ chính là sự đầu tư, theo dõi của phụ huynh đối với việc học tiếng Anh của học sinh.
Phân tích một cách kỹ hơn từ góc độ chuyên môn, thì việc học tiếng Anh của HS có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp của giáo viên. Giáo viên dạy tiếng Anh phải có phương pháp phù hợp với từng đối tượng HS.
Trong một lớp học ở trường phổ thông công lập hiện nay thông thường có khoảng hơn 40 HS (thậm chí sĩ số còn đông hơn), nếu như giáo viên không có phương pháp dạy phù hợp mà dạy tiếng Anh theo mặt bằng chung, cả 40 bạn HS đều được dạy theo một phương pháp, một trình độ như nhau, thì theo tôi rất khó để có được những học sinh trình độ tiếng Anh tốt.
Giáo viên bắt buộc phải làm được việc phân loại trình độ tiếng Anh, năng lực học tiếng Anh của HS trong một lớp ra thành các nhóm trình độ khác nhau để dạy, để soạn giáo án và có cách giao bài tập cho phù hợp, như vậy thì việc học mới hiệu quả.
- Điều gì khiến bà băn khoăn, lo lắng về thực tế học tiếng Anh của HS?
Thực tế học tiếng Anh của HS trong mỗi lớp học có thể thấy rõ ở kết quả của nhiều kỳ thi môn tiếng Anh. Chẳng hạn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia có thể thấy rằng kết quả thi môn tiếng Anh không cao. Cũng chính bởi sự quá tải về sĩ số trong lớp học và phương pháp giảng dạy, học tập chưa phù hợp, nên nhiều HS coi môn tiếng Anh đơn giản chỉ là một môn học cần phải hoàn thành để lấy điểm và thi đạt, để “trả bài”.
Thậm chí, sau mỗi kỳ thi thì việc học tiếng Anh của một bộ phận không nhỏ HS giống như anh “leo cột mỡ”, cứ leo lên rồi lại tụt xuống, đạt được “lever” nhất định, nhưng sau khi thi lấy điểm xong thì HS lại cất hết sách vở đã học và không có một mục tiêu rõ ràng để học tập tiếp theo môn tiếng Anh, mà chỉ đơn thuần coi đó là một môn học cần phải thi cho “xong việc”.
- Nhiều GV dạy tiếng Anh cho rằng lớp học tiếng Anh lý tưởng chỉ nên có sĩ số tới khoảng 20 HS, điều này dường như khó khăn với các trường học có sĩ số mỗi lớp lên tới 40 - 50 HS. Bằng kinh nghiệm tổ chức các lớp học tiếng Anh, bà có thể chia sẻ phương pháp nào hiệu quả giúp giải quyết vấn đề quá tải về sĩ số HS trong giờ học tiếng Anh?
Trước tình trạng học tiếng Anh như trên của một bộ phận khá đông HS, tôi cho rằng giải pháp không chỉ cần đến từ phía giáo viên. Ngoài giải pháp đến từ những cấp quản lý GD thì giải pháp phải đến từ ngay chính bộ phận quản lý và điều hành mỗi nhà trường để giải quyết vấn đề học tiếng Anh sao cho hiệu quả ở chính từng trường.
Tại Hà Nội, một số trường tư đã có những phương pháp giải quyết vấn đề học tiếng Anh sao cho hiệu quả. Có giải pháp được tiến hành cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn, giải pháp được áp dụng là cứ đến giờ học tiếng Anh thì HS được chia theo trình độ để học các lớp tiếng Anh khác nhau, chứ không học tập trung cả một lớp học 30 hơn 30 HS như cách học các môn học khác.
Cứ vào đầu năm học một số trường tư đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và phân loại HS theo trình độ tiếng Anh, sau đó cứ đến giờ học tiếng Anh là HS có cùng trình độ tiếng Anh sẽ vào học cùng một phòng học. Song song với việc chia trình độ thì một số trường học đã hạn chế số lượng chỉ khoảng 20 HS trong một lớp học tiếng Anh, chứ không phải là 30 hay 40 HS trong một lớp học tiếng Anh.
- Trân trọng cảm ơn chia sẻ của bà!