Giữa những thửa ruộng lúa chín ở Hội An, các bức ảnh chụp chim hoang dã, không chỉ là tung cánh bay cao giữa trời xanh, mà còn có cả hình ảnh chú chim bị đánh bẫy, được trưng bày đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Đây là chủ ý của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Rin khi anh dành nhiều năm quan sát để thực hiện bộ sưu tập. Việc chọn không gian triển lãm không phải trong phòng kín, mà là giữa khung cảnh thiên nhiên rộng lớn gắn với khu ẩm thực của một nhà hàng cũng nằm trong dụng ý mà chủ nhân muốn gửi tới công chúng. Đó là cách ứng xử với thiên nhiên: Bắt chim hoang dã rồi phóng sinh thì sao có thể gọi là nhân từ và hòa hợp?
Mới đây, nghệ sĩ Đào Văn Hoàng và Jeet Dzung cũng dẫn bước công chúng “Đi vào hoang dã”, triển lãm mỹ thuật do Hanoi Grapevine tổ chức tại Bình Định.
Trước đó có thể nhắc đến triển lãm tranh nghệ thuật kết hợp công nghệ AR “Đường về hoang dã” ở TP Hồ Chí Minh đem đến cho khách tham quan thông tin về các loài động vật hoang dã đang trong tình trạng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Triển lãm đa phương tiện “Bị bẫy” ở Hà Nội thì mô tả một trong những mối đe dọa nghiêm trọng dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài hoang dã tại Việt Nam và trên thế giới.
Hoặc chuỗi triển lãm kết hợp tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã tại các trường học ở Quảng Bình, Quảng Trị hay triển lãm ảnh “Sải cánh hoang dã” kể những câu chuyện sống động, kỳ thú mang thông điệp về những giá trị của môi sinh, ý thức bảo tồn thiên nhiên…
Có thể thấy, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, đa phương tiện luôn đặc biệt quan tâm đến thế giới thiên nhiên tươi đẹp nên thường thực hiện nhiều triển lãm đem đến cộng đồng những lời nhắc về thái độ ứng xử tử tế với môi trường sống và thế giới tự nhiên.
Đó là, khi xã hội càng phát triển, hiện đại, đổi mới thì con người càng cần nâng cao ý thức để có ứng xử văn minh với cỏ cây, muông thú. Vậy nhưng, vẫn có đó không ít hành vi phản cảm xuất hiện, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu cá nhân mà cố tình hoặc vô tình làm tổn hại đến thiên nhiên, môi trường.
Chẳng hạn như hành vi phóng sinh là ứng xử đẹp nếu con người tích cực tham gia vào việc “giải cứu” các loài động vật hoang dã gặp nạn hoặc đang bị nuôi nhốt, giam cầm. Thế nhưng nó sẽ trở thành xấu xí, vô cảm nếu chỉ vì cố thực hiện việc phóng sinh hay nhu cầu ẩm thực mà mua bán các loài động vật hoang dã từ những kẻ trục lợi kiếm lời…
Vậy nên, cùng với việc đến thưởng lãm các tác phẩm tranh, ảnh còn cần lắm sự lắng nghe và đồng cảm với những lời nhắc ý nghĩa từ các triển lãm nghệ thuật mà nghệ sĩ tâm huyết mang tới cho công chúng. Sự cộng hưởng đầy trách nhiệm giữa nghệ thuật và cộng đồng này sẽ sớm mang đến cho thiên nhiên những mùa quả ngọt…