'Quả bom nước' phát nổ

GD&TĐ - Cả Nga và Ukraine đang tố nhau phá vỡ đập thủy điện Kakhovka.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dù thủ phạm chưa thể xác định thì việc “quả bom nước” này phát nổ đang gây ra những hậu quả nặng nề cho người dân cả hai bên ở vùng hạ lưu.

Mọi chuyện bắt đầu từ hôm 6/6 khi lực lượng Nga và Ukraine đang giao tranh dữ dội, bất ngờ nước dâng lên nhanh chóng tại thành phố Kherson ở hạ lưu sông Dnieper. Người dân địa phương thuộc cả khu vực do Nga và Ukraine kiểm soát đều phải đi sơ tán khẩn cấp khi mực nước dâng từng giờ do đập Kakhovka bị vỡ.

Đến ngày 8/6, phía Ukraine đã sơ tán gần 2.000 người dọc bờ sông Dnieper với hàng nghìn ngôi nhà bị nước nhấn chìm, đe dọa cuộc sống của 42.000 người. Phía bờ bên kia do Nga kiểm soát cũng có khoảng 22.000 người sống trong các khu vực bị nước từ con đập vỡ tràn xuống đe dọa, với gần 3.000 ngôi nhà bị nhấn chìm.

Thành phố bị ngập nặng nhất do vỡ đập là Nova Kakhovka nằm ngay phía dưới hạ lưu phía chân đập thủy điện, nơi có điểm bị chìm sâu tới 12 mét. Con đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper này nằm trong vùng do Nga kiểm soát thuộc tỉnh Kherson. Khi đập thủy điện bị vỡ ước tính khoảng 18 tỷ mét khối nước đã tràn xuống khu vực hạ lưu của sông.

Do các vùng kiểm soát của Nga và Ukraine đan xen nhau nên khi vỡ đập đã khiến người dân của cả hai bên cùng hứng chịu hậu quả. Chính quyền Ukraine cáo buộc Nga gây nổ đập Kakhovka nhằm tìm cách ngăn quân đội Ukraine tổ chức chiến dịch phản công, trong khi Nga cáo buộc Kiev đã pháo kích vào con đập nhằm phá hủy nguồn cung cấp nước sạch cho bán đảo Crimea.

Theo giới phân tích, vụ vỡ đập có thể cản trở cơ hội phản công của lực lượng Ukraine nhưng cũng tạo ra những bất lợi cho quân đội Nga. Sự kiện xảy ra đúng thời điểm Ukraine chuẩn bị phát động chiến dịch phản công quy mô lớn vốn được chờ đợi từ lâu nên dẫn đến nhiều suy luận khác nhau về lực lượng đứng sau vụ phá con đập.

Con sông Dnieper nơi con đập được xây dựng chính là ranh giới ngăn đôi vùng kiểm soát của Nga và Ukraine ở Kherson hiện nay, trong đó Ukraine kiểm soát khu vực bờ Tây và Nga kiểm soát khu vực bờ Đông. Khi con đập bị vỡ, sông Dnieper sẽ mở rộng ra nhiều lần so với thời điểm còn hồ chứa nước phía thượng lưu.

Chính việc sông Dnieper rộng ra sẽ gây khó khăn cho chiến dịch vượt sông để phản công của lực lượng Ukraine. Đặc biệt việc sử dụng xe tăng sẽ gần như bất khả thi khi nước lũ tràn về nhiều nơi do vỡ con đập xây dựng từ thời Liên Xô này. Do đó, việc vỡ đập được một số chuyên gia quân sự đánh giá là tạo ra một điều kiện phòng thủ tốt cho lực lượng Nga nếu Ukraine có ý định phản công.

Trong khi đó, một quan điểm khác cho rằng, việc vỡ đập Kakhovka cũng tạo ra bất lợi cho phía Nga khi Ukraine có thể đánh lạc hướng phản công, đồng thời lũ lụt có thể vô hiệu hóa các công sự và bãi mìn mà lực lượng Nga đã tổ chức phòng thủ dọc bờ sông Dnieper. Khí tài hạng nặng của Nga tập trung trong khu vực cũng bị nước lũ đe dọa, khiến khả năng tác chiến giảm đi rất nhiều.

Việc kết luận bên nào đứng sau vụ phá con đập Kakhovka có thể sẽ không thể xác định, nhưng hậu quả của việc “quả bom nước” này phát nổ chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Riêng lượng bùn do nước lũ gây ra ở hạ lưu Kherson cũng phải mất một thời gian dài mới có thể dọn sạch. Cuộc sống của người dân ở các khu vực do Nga và Ukraine kiểm soát cũng khó có thể trở lại bình thường, trong khi họ vốn đã phải hứng chịu sự tàn phá do cuộc xung đột hơn một năm qua gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ