QH thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người

QH thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người

(GD&TĐ) - Bước sang ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII, sáng nay 23-3, QH làm việc tại Hội trường thảo luận về dự án Luật phòng, chống mua bán người.  Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người trình xin ý kiến QH gồm 8 chương, 58 điều.

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống mua bán người  trước QH , bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho biết, so với dự thảo trước, bản dự thảo trình QH lần này có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”; các quyền của nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, bảo vệ an toàn cho nạn nhân, việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân và hoạt động của các cơ sở này...

Các ĐB thảo luận, đóng góp Dự án Luật phòng, chống mua bán người
Các ĐB thảo luận, đóng góp Dự án Luật phòng, chống mua bán người

Về khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”, một vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến, dự thảo không giải thích thuật ngữ “mua bán người” mà quy định cụ thể các hành vi mua bán người và hành vi có liên quan đến mua bán người. Những hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có tiền, tài sản với tính chất là một khoản thù lao mà pháp luật cho phép thì không phải là “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”.

Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, dự thảo được chỉnh lý theo hướng nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất để khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng phải thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân.

Liên quan đến các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, với quan điểm nên tận dụng các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có, tránh đầu tư dàn trải, dự thảo Luật chỉ  cho phép thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội công lập ở các tỉnh thành trực thuộc trung ương, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng nguồn vốn tự có (không dùng ngân sách nhà nước) để thành lập nhằm tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) bày tỏ quan tâm đến việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán.

Đại biểu Liêu nêu quan điểm: “Có nhiều cơ quan liên quan đến việc này. Quy định lòng vòng giữa các cơ quan, trong khi chưa xác minh được thông tin về nạn nhân (thời gian tối đa lên tới 2 tháng), Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm sao có thể bố trí ăn ở, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trong suốt thời gian dài như vậy”?

Đại biểu Liêu đề nghị với Ban soạn thảo nên quy định: động viên và đưa ngay những người có điều kiện về với gia đình, các trường hợp khác đưa về cơ sở bảo trợ xã hội.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, tên gọi của Luật nên là “Luật Phòng chống buôn bán người” để nhấn mạnh yếu tố trục lợi của hành vi buôn bán người.

Đại biểu Hùng cho rằng: “Có một số hành vi khác, như chuyển nhượng cầu thủ chẳng hạn, cũng là mua bán, nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật”.

Lưu ý đến yếu tố tâm lý của các nạn nhân, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) yêu cầu dự án luật bổ sung quy định về “quyền được giữ bí mật thông tin” cho nạn nhân bị mua bán (về hình ảnh nhận dạng, đời tư...).

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập đến một hành vi mới phát sinh trong đời sống xã hội: hiện tượng đẻ thuê được phát hiện ở Thái Lan trong thời gian gần đây.

Đại biểu Xuân cho rằng, đây cũng là một trường hợp mua bán trẻ em, mà người đẻ thuê vừa là nạn nhân vừa là tội phạm và đề nghị dự luật cần xem xét quy định vào Luật để có căn cứ xử lý.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết sẽ nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện dự luật để trình QH biểu quyết thông qua vào ngày 29/3 tới.

Bộ trưởng Cường cho biết, trọng tâm của luật này là quy định vấn đề phòng ngừa việc mua bán người, nhưng cũng có những quy định về hình sự, hành chính, kỷ luật vì đây là đạo luật rất chuyên biệt và phải đạt tới hiệu quả cuối cùng là giảm tình trạng mua bán người, tiến tới chấm dứt.

“Tinh thần là không chỉ bó hẹp trong bộ luật hình sự mà với luật này được thông qua, hành vi vi phạm hình sự trong mua bán người sẽ giảm”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Cường cũng cho biết thêm, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thêm quy định về quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Trong dự luật, quy trình này đang được xếp theo loại trường hợp khác nhau: nạn nhân bị mua bán trong nước; nạn nhân được giải cứu; nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài về…

“Quy trình xem ra phức tạp nhưng thống nhất: Phòng LĐTBXH cấp huyện là nơi xử lý các vụ việc. Các cơ sở bảo trợ nạn nhân chỉ tham gia trong trường hợp nạn nhân không có nguyện vọng trở về nhà, không có nơi về và có nguyện vọng vào các cơ sở này”, Bộ trưởng Cường nói.

Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.