Qatar: Khủng hoảng ngoại giao đe dọa giáo dục

GD&TĐ - Khủng hoảng ngoại giao vẫn đang tiếp diễn tại Qatar sẽ gây ra “thiệt hại danh tiếng không thể phục hồi” của vùng Vịnh - vốn được coi là địa điểm lí tưởng đặt trường nhánh của các đại học danh tiếng phương Tây…

Qatar: Khủng hoảng ngoại giao đe dọa giáo dục

Trường nhánh khó tuyển sinh

Qatar đã tạo lập được vị thế là một trung tâm giáo dục toàn cầu trong những năm gần đây, quy tụ trường nhánh của 12 đại học quốc tế. Tuy nhiên hiện tại vị thế này của Qatar lại vô cùng mong manh và vô định sau khi 4 quốc gia Ả Rập – Ả-rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Bahrain – cắt đứt quan hệ ngoại giao. Liên minh 4 quốc gia này cũng đang thắt chặt các biện pháp cô lập Qatar cả trên đất liền, trên biển và trên không – với cáo buộc Qatar tài trợ cho các tổ chức khủng bố.

Theo Christopher Davidson, giảng viên chính trị tại Đại học Durham, khủng hoảng chưa có hồi kết sẽ khiến Qatar và phần còn lại của vùng Vịnh trở thành địa điểm kém hấp dẫn cho việc đặt phân trường của các đại học danh tiếng. Các cơ sở đào tạo ĐH có thể chuyển hướng mở phân trường tại Đông Á thay vì vùng Vịnh – Davidson dự báo.

“Những gì đang xảy ra tại Qatar lúc này sẽ phá huỷ danh tiếng không thể lấy lại được cho các quốc gia vùng Vịnh và cả khu vực Trung Đông” – Davidson phân tích – “Vùng Vịnh, đặc biệt là Qatar, được coi là ổn định nhất trong các quốc gia Trung Đông”.

Tiến sĩ Davidson dự đoán trước sức ép của các quốc gia láng giềng, Qatar có thể phải đóng cửa Văn phòng Sheikha Mozah bint Nasser Al Missned – vốn được coi là cánh tay phải xây dựng chính sách ngoại giao Qatar. Mà Văn phòng này điều hành Quỹ Qatar, Quỹ đầu tư và vận hành “Thành phố Giáo dục” nằm ở ngoại ô thủ đô Doha, nơi đặt hầu hết các trường nhánh của ĐH nước ngoài. 6 trường ĐH Mỹ, trong đó có ĐH Carnegie Mellon và ĐH Texas A&M có phân trường đặt tại đây.

Bahrain, Ả-rập Xê-út và UAE đều đã yêu cầu công dân các nước này rời khỏi Qatar – đây là đòn giáng mạnh vào tuyển sinh của các trường nhánh nước ngoài.

Viễn cảnh u ám

Davidson cho rằng nếu khủng hoảng tiếp tục tệ hơn, các trường ĐH nước ngoài sẽ “đi tới quyết định rút khỏi thị trường này”.

Quan điểm của Davidson được ủng hộ bởi Kristian Coates Ulrichsen, nghiên cứu về Trung Đông tại Viện Chính sách Công Baker, Đại học Rice. Ulrichsen chắc chắn rằng, các trường nhánh sẽ bị ảnh hưởng nếu Qatar vẫn bị áp đặt trừng phạt kinh tế.

“Quỹ Qatar đã phải chịu nhiều khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong những năm gần đây khi bị cắt giảm mạnh ngân sách. Nếu ngân sách tiếp tục bị cắt giảm, các trường nhánh sẽ tính toán lại lợi ích và rút khỏi cuộc chơi” – Ulrichen phân tích.

Theo Jason Lan, chuyên gia kế hoạch chiến lược của ĐH Quốc gia New York, dường như các trường sẽ không rút ngay lập tức khỏi Qatar nhưng danh tiếng của quốc gia này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Hình ảnh “Thụy Sĩ tại Trung Đông” của Qatar đã bị phá vỡ và chắc chắn những trường đại học có ý định mở phân trường tại Qatar sẽ chùn bước trong khi những trường đã mở phân trường sẽ suy xét kĩ về những hợp đồng mới”.

Trong một tuyên bố nhằm trấn an các trường ĐH quốc tế, Quỹ Qatar nói rằng “đáng buồn với diễn biến khu vực hiện tại” nhưng điều này sẽ “không tác động đến hoạt động cũng như kế hoạch tương lai của chúng tôi, và chúng tôi vẫn cam kết phát triển nhân tài địa phương, khu vực và quốc tế”.

Qatar xếp thứ 6 trong danh sách 11 nước đứng đầu về chất lượng giáo dục được Independent đăng tải ngày 19/11/2016 dựa trên phân tích dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Qatar có đóng góp lớn cho GD quốc tế, giải Nobel danh giá chưa từng trao thưởng cho lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên Qatar là quốc gia đầu tiên tạo ra một giải thưởng có ý nghĩa tương đương từ năm 2011 - giải thưởng WISE trị giá 500.000 USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ