Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp trong công tác phòng chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; để đảm bảo an toàn cho các hoạt động và các công trình khí, cơ sở của Tổng công ty cũng như chủ động ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp, lụt, bão, thiên tai có thể xảy ra, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tăng cường các biệt pháp ứng phó hữu hiệu, thực hành tiết kiệm.
Qua đó, Tổng giám đốc PV GAS yêu cầu các đơn vị thực hiện và tăng cường thực hiện hàng loạt các chương trình hành động ứng phó. Trước hết, các công ty thành viên và trực thuộc rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy Ứng cứu khẩn cấp tại đơn vị; tổ chức phân giao nhiệm vụ đến các thành viên để chủ động, kịp thời triển khai ứng cứu khi xảy ra tình huống khẩn cấp, đồng thời, thông báo tới các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện. Đồng thời, cần rà soát, cập nhật kế hoạch, quy trình ứng cứu khẩn cấp, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, phương án phòng chống lụt, bão, thiên tai và phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; bổ sung các phương án ứng phó đối với các tình huống cụ thể tại các vị trí xung yếu có thể bị ảnh hưởng khi mưa, bão, lũ lớn xảy ra.
Tất cả các đơn vị của PV GAS tích cực kiểm tra các nhà, xưởng, kho vật tư, trụ sở làm việc,… để có biện pháp gia cố phòng chống thiên tai; kiểm tra hệ thống chống sét, tiếp đất, thiết bị bảo đảm an toàn công nghệ, phòng chống cháy nổ, đảm bảo luôn ở trạng thái hoạt động tốt; đồng thời rà soát, bổ sung đầy đủ các vật tư tiêu hao, thiết bị dự phòng và tổ chức công tác BDSC các thiết bị đầy đủ, đúng quy định, để đảm bảo độ tin cậy của thiết bị luôn duy trì ở mức độ cao nhất. Công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã và đang được thực hiện tốt theo phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.
|
Đối với các công trình đang thi công, xây lắp, bảo dưỡng sửa chữa, PV GAS cũng thực hiện kiểm tra, rà soát các biện pháp về quản lý, kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho người, công trình, vật tư, thiết bị và chất lượng công trình. Phối hợp với nhà thầu sắp xếp hợp lý các vật liệu xây dựng, dàn giáo...; bảo quản các vật tư xi măng, hóa chất theo đúng qui định, các cần cẩu, thiết bị nâng phải luôn kiểm tra độ an toàn, ổn định chống bão, khi cần thiết phải tháo dỡ, có biện pháp gia cố, ứng cứu khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Các Công ty KVT, KDK, KCM, KHP, VNLPG, CNG, KTA rà soát các phương án cho tàu neo đậu, ra vào làm hàng tại các cảng, phương tiện vận chuyển LPG, CNG, để kịp thời bổ sung các biện pháp, phương án bảo đảm an toàn cho các phương tiện, kho, cảng trong mùa mưa bão, có kế hoạch cung cấp, giao nhận hàng bảo đảm an toàn.
Công tác huấn luyện, diễn tập theo các phương án, tình huống cụ thể trong kế hoạch của các đơn vị và các cơ sở để nâng cao năng lực ứng phó của cán bộ công nhân viên khi xảy ra các tình huống khẩn cấp được duy trì nghiêm ngặt. Các đơn vị tổ chức trực chỉ huy theo chế độ 24/24 và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến của thiên tai qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các công điện, văn bản chỉ đạo của Nhà nước và chỉ đạo của Tổng công ty để triển khai, phối hợp ứng phó kịp thời, an toàn và hiệu quả.
PV GAS tiếp tục chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên Phòng, Cảnh sát biển, chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu công nghiệp, lực lượng chuyên môn, các đơn vị trong và ngoài Tổng công ty để sẵn sàng ứng phó và hỗ trợ ứng phó khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Công tác phối hợp cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh – an toàn không những cho các công trình khí mà toàn bộ cộng đồng dân sinh được PV GAS đề cao và luôn tích cực, sẵn sàng thực hiện, trong bất cứ hoàn cảnh nào.