Phụ huynh sẵn sàng nhường máy, đầu tư hạ tầng cho con để học trực tuyến lâu dài

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến là giải pháp tất yếu, không chỉ trong điều kiện dịch Covid–19. Sự chủ động của HS, nền tảng công nghệ, phương pháp của GV, phụ huynh đồng hành, sẽ tạo nên hiệu quả khi học trực tuyến kéo dài.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Phụ huynh tạo điều kiện kỹ thuật, thành trợ giảng

Hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện tốt nhất để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là sự cố gắng của hầu hết phụ huynh nhằm giúp con em mình học trực tuyến đạt hiệu quả nhất. Để đảm bảo chất lượng học trực tuyến của các con tại nhà, nhiều phụ huynh chấp nhận đầu tư, dành thời gian học cùng con và trở thành những “trợ giảng” đắc lực cho giáo viên.

Ngay khi nhà trường thông báo học sinh học trực tuyến tại nhà, anh Phan Xuân Hùng có con học lớp 5 Trường tiểu học Bần Yên Nhân 2 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) đã đầu tư ngay hơn chục triệu đồng để mua laptop mới cho con học.  Chiếc máy tính nhà đang dùng đã cũ, cấu hình thấp, chạy rất chậm, con vào học Zoom hình ảnh bài học không nét cũng như âm thanh không được rõ. Năm nay, con trai lại cuối cấp nên anh Hùng vui vẻ đầu tư để buổi học của con chất lượng hơn.

Chị Nguyễn Thanh Thuỷ có ba con học ở Trường tiểu học Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) cũng vừa mua thêm máy tính cho con. Vợ chồng chị Thuỷ đã chuẩn bị, cài đặt sẵn ứng dụng trên màn hình máy tính, sắp xếp công việc để hỗ trợ 3 con học.

3 con học cùng trường nên lịch học cùng nhau, đường truyền thường xuyên bị quá tải, liên tục bị "out" ra khỏi lớp khiến chị lo lắng con không theo kịp bài giảng của cô. Chị cũng đã đăng ký gói 4G tốc độ cao nhất để đáp ứng điều kiện học tập cho các con, để việc học của con đạt hiệu quả, chất lượng thực sự.

Dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học đòi hỏi bố mẹ phải sát sao hơn với học sinh THCS và THPT. Có bố mẹ cùng học không chỉ giúp trẻ tập trung hơn, hỗ trợ thao tác trên máy nhanh hơn cũng như trở thành những “trợ giảng” đắc lực, giảng lại kiến thức khó cho con khi cần.

Dù công việc sau Tết cũng khá bận nhưng vợ chồng chị Lê Thị Nga vẫn cố gắng chia thời gian hợp lý để học cùng cậu con học lớp 1 Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang, Bắc Giang). Con trai chị đang lớp 1 học chương trình mới, sách giáo khoa mới, lại lần đầu học trực tuyến nên con chưa tập trung cũng như chưa quen các thao tác trên ứng dụng.

Lịch học trực tuyến của con được bố trí vào buổi tối, có bố mẹ ở bên hỗ trợ, nhắc nhở con việc bật mic, bấm nút phát biểu, mở bài giảng. Hàng ngày qua nhóm zalo của lớp, cô gửi nội dung, bài giảng hướng dẫn phụ huynh, để vợ chồng chị Nga có thể hướng dẫn lại cho con. Để kiểm tra kết quả, cô giáo gửi phiếu bài tập, chị Nga cũng sắp xếp thời gian giám sát con làm, sau khi con làm xong thì chụp gửi lại cho cô qua zalo.

“Điều này khiến bố mẹ bận rộn hơn nhưng cô giáo đánh giá việc hoàn thành bài học của con rất nghiêm túc nên hai vợ chồng mình không ngại cố gắng. Tất cả do điều kiện bất khả kháng từ dịch bệnh. Mọi người cần chung sức để sớm vượt qua, trở lại trạng thái bình thường”, chị Nga chia sẻ.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Học trực tuyến: Giải pháp tất yếu, cứu cánh thời Covid

Để việc dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng và hiệu quả, cô Hà Thu Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bần Yên Nhân 2 (Thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết trường đã xây dựng thời khoá biểu để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh khoa học, vừa sức, không gây căng thẳng cho học sinh.

Cô Trang cũng yêu cầu giáo viên trong trường cập nhật hàng ngày số lượng và tình hình học tập của từng lớp, hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến, thường xuyên có biện pháp kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy học. Việc học trực tuyến đã được thực hiện nghiêm túc, có nề nếp ngay trong những tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

“Riêng với học sinh lớp 1, đây là năm học đầu tiên các em học chương trình mới, sách giáo khoa mới. Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, không gây căng thẳng cho học sinh, trường cũng đã lựa chọn khung giờ học buổi tối để phụ huynh có thể hỗ trợ tối đa cho việc học của con”, cô Hà Thu Trang cho biết thêm.

Chuyên gia tư vấn du học Trần Thị Dần, Giám đốc Công ty Sunrise Việt Nam cảm thấy yên tâm với việc dạy học trực tuyến bởi giáo viên và học sinh đã có kinh nghiệm với hình thức học này thời gian qua. Tuy nhiên, học trực tuyến đòi hỏi tinh thần tự giác rất cao của người học. Kế hoạch dạy học trực tuyến cần nhấn mạnh vai trò đồng hành của phụ huynh trong việc hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ bản cho học sinh tham gia học trực tuyến, đồng thời có biện pháp giám sát, hỗ trợ hướng dẫn con em mình hoàn thành các yêu cầu học tập của giáo viên.

Quan điểm mà chuyên gia tư vấn Trần Thị Dần đưa ra là không chỉ trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì dịch, gia đình và nhà trường cần tạo thói quen tự học cho học sinh để các em biết cách làm chủ kiến thức, có khả năng thích ứng trong mọi điều kiện học tập.

“Cần có quy chế về trách nhiệm của thầy cô trong quá trình học trực tuyến và công nhận kết quả trực tuyến để việc dạy học trực tuyến là thực chất chứ không phải làm cho xong”, chuyên gia tư vấn Trần Thị Dần đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện quy chế dạy học trực tuyến. Theo đó, sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế bài dạy, chuẩn bị nguồn học liệu phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Các trường phải khảo sát học sinh, điều kiện dạy học để lựa chọn hình thức dạy học phù hợp và công khai kế hoạch này. Khi có hành lang pháp lý rồi, các trường cần có kế hoạch dạy học trực tuyến ngay trong tình huống không có dịch bệnh, có thể dạy song song với trực tiếp, hỗ trợ dạy học chính ở trường hoặc chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn khi học sinh không đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ