Công nghệ pin này được trình bày tại Hội nghị và Triển lãm Quốc gia lần thứ 256 của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới khoa học.
“Giấy có lợi thế như một vật liệu cho cảm biến sinh học. Nó không đắt tiền, dùng một lần, linh hoạt và có diện tích bề mặt cao”, đồng tác giả nghiên cứu - Seokheun Choi cho biết.
Để tăng cường độ nhạy của cảm biến sinh học bằng giấy với chi phí tiết kiệm nhất, Choi và đội ngũ cộng sự đã in các lớp kim loại mỏng và các vật liệu khác lên bề mặt giấy và phủ nó bằng một loại vi khuẩn đặc biệt. Khi đó, pin sẽ tạo ra điện nhờ quá trình trao đổi chất của vi khuẩn.
Pin giấy dùng một lần hiện có hạn sử dụng khoảng bốn tháng, nhưng nhóm nghiên cứu đang làm việc để cải thiện tuổi thọ pin lẫn hiệu suất của vi khuẩn.
Được biết, Choi muốn tăng hiệu suất năng lượng lên 1.000 lần. Ông cũng đã đăng ký bằng sáng chế cho pin và đang tìm kiếm đối tác để thương mại hóa sản phẩm.
Hi vọng rằng, pin giấy với công nghệ tạo năng lượng bằng vi khuẩn sẽ sớm được ứng dụng trong cuộc sống để giúp ích cho những người ở vùng sâu vùng xa vốn có điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn.
Hãy thử tưởng tượng bạn mắc bệnh trên một hòn đảo bị cô lập, nhân viên y tế không thể chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe vì không có điện, hoàn cảnh ấy thật không dễ chịu phải không nào?