Phút tri ân nơi thềm lục địa

Phút tri ân nơi thềm lục địa

(GD&TĐ) - Sau hơn 10 ngày lênh đênh trên biển,  thăm hơn chục đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, con tàu HQ 936 đưa chúng tôi đến khu vực vùng biển Quế Đường, nơi có các Nhà giàn DK1/8 và DK1/19 cùng các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 

Nhà giàn DK1/8 nhìn từ tàu HQ 936
Nhà giàn DK1/8 nhìn từ tàu HQ 936

Bình minh vẫn còn chưa ló rạng phía chân trời, các thành viên trong đoàn đã háo hức chuẩn bị áo phao để xuống xuồng vào thăm nhà giàn; để rồi phần lớn phải thất vọng ra mặt khi chỉ huy tàu thông báo do điều kiện không cho phép, chỉ hơn 20 người được ưu tiên đi trên 2 chiếc xuồng chia nhau vào thăm 2 Nhà giàn, còn lại… vui lòng ở trên tàu ngắm từ xa.

Thế nhưng ngay những người ở lại cũng có nhiều việc để làm, và gần như ai cũng tự nguyện tham gia một cách thầm lặng: cùng nhau sắp đặt vòng hoa cũng như các phần việc cần thiết khác để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên vùng biển này vì chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Được đặt chân lên các nhà giàn, chúng tôi càng thêm cảm phục tinh thần quả cảm và bản lĩnh tuyệt vời của các anh. Xuồng cập mạn chân nhà giàn, phải chờ rất lâu để cho sóng lặng bớt, từng người mới dám nhẹ nhàng đứng lên, dưới đỡ trên kéo, cẩn thận đặt chân lên bậc thang trơn trượt lắt lẻo bên cột chống, trèo dần lên. Nói sao hết cái phút giây gặp gỡ ấy. Niềm vui như vỡ òa trong những vòng tay ôm chặt, những câu hỏi han tíu tít về hải trình của đoàn…

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc được tổ chức trên con tàu HQ 936 tại vùng thềm lục địa Quế Đường
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc được tổ chức trên con tàu HQ 936 tại vùng thềm lục địa Quế Đường

Nhà giàn bây giờ so với chỉ 3 – 4 năm trước đã khác lắm rồi. Hệ thống điện từ năng lượng mặt trời đủ cung cấp nhu cầu sử dụng phục vụ sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu của các anh. Cột thu phát tín hiệu điện thoại cũng đã giúp xóa nhòa khoảng cách giữa đất liền với thềm lục địa. Chỉ có tăng gia chăn nuôi sản xuất là vất vả, điều mà mấy ngày trước chúng tôi tưởng đã là khó khăn nhất ở các đảo chìm. Một hộp xốp nho nhỏ, một vỏ hộp tý hon cũng thành nơi trồng cây xanh; một chút nước ngọt cũng phải chắt chiu vo gạo xong mới được rửa rau, sau đó mới rửa tay và cuối cùng để tưới cây, không được phí một giọt nào.  

Đó là điều dễ hiểu khi biết nguồn nước ngọt hiện tại trên các nhà giàn, cũng như ở phần lớn các đảo chìm khác, hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa. Tuy vậy, thật mừng khi Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân Trần Đình Xuyên cho chúng tôi biết tới đây, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt sẽ được triển khai, đáng ứng hoàn toàn nhu cầu về nước ngọt cho tất cả các đảo của quần đảo Trường Sa cũng như các Nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Hôm nay, những bông cúc vàng lại trôi theo sóng biển trên thềm lục địa phía Nam. Không chỉ các thành viên trên tàu, các chiến sĩ Nhà giàn DK1/8 và DK1/19 cũng xếp hàng đứng nghiêm trong quân phục chỉnh tề, lặng lẽ giơ tay chào theo nghi thức quân đội khi tàu chúng tôi hú lên 3 hồi còi thêm cho lời viếng anh linh các chiến sĩ đang nằm dưới đáy biển khơi. Khoảng cách xa quá, dễ đến nửa hải lý, nhưng nếu ở bên, tôi đồ rằng đôi mắt của những người lính dạn dày sóng gió đó cũng đang ngấn lệ.

Không xúc động sao được khi tất cả cùng hồi tưởng về những thời điểm năm 1990, 1996, 1999 và năm 2000, do sự tàn phá của thiên nhiên và bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn – nơi mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 – Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm nhiệm vụ.

Nhớ lắm cái khoảng khắc chiều ngày 4/12/1990, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn  Phúc Tần dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Văn Bổng và Thượng úy, Phó Trạm trưởng về chính trị Nguyễn Hữu Quảng đã ra sức chống chọi với cơn bão. Song đêm đen ập đến, bão tố mỗi lúc một mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ và cuốn trôi cả đơn vị xuống biển. 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Một trong những tấm gương hy sinh cao cả đó là tấm gương của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất. Đó là buổi chiều ngày 5/12/1990.

Nhớ lắm hành động cao đẹp của Đại úy Vũ Quang Chương – Chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên. Trước sự hung giữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1999, được lệnh từ đất liền, anh bình tĩnh chỉ huy đơn vị rời Trạm xuống tàu theo phương án, còn mình và đảng viên Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người và rời nhà giàn sau cùng. Nhưng ác thay, bão gió đại dương đã cướp đi tính mạng của các anh. Riêng người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn An ra đi để vợ hiền với đứa con nhỏ mới sinh chưa kịp nhìn mặt bố.

Thả vòng hoa xuống biển tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam.
Thực hiện nghi lễ thả vòng hoa xuống biển tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Việt Nam

Nhớ lắm tấm gương cao đẹp của chuẩn úy Lê Đức Hồng. Anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn đổ, anh chỉ kịp gửi lời chào qua làn sóng radio: “Vĩnh biệt đất liền”, để rồi mãi mãi nằm lại với biển khơi.

Rồi còn nhiều nữa những tấm gương dũng cảm của Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Tư, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sỹ Nga; của chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh… Họ đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn giữa phong ba bão tố mà không một chút phân vân, suy tính và anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Hôm nay, chúng tôi được may mắn ở nơi vùng biển mà các anh đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin nghiêng mình thắp nén hương lòng tưởng niệm các anh. Trên loa phóng thanh, những câu thơ dưng dưng thay lời ai điếu khiến cả một vùng biển thêm nghẹn ngào: Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/Trong cơn hồng thủy phong ba/DK1 – Bản hùng ca lưu đời…/ Hương trầm quyện gió tỏa quanh/Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương/Sống không mưu lợi tầm thường/Hồn thiêng thanh thản ở phương vĩnh hằng.  

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ