Phương pháp giáo dục học sinh bảo vệ môi trường hiệu quả

GD&TĐ - Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của giáo dục bảo vệ môi trường, Trường Tiểu học thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư, Ninh Bình) đã thực hiện nội dung này bằng các đổi mới phương pháp giáo dục.

Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh bằng phương pháp trải nghiệm thực tiễn như thế này
Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh bằng phương pháp trải nghiệm thực tiễn như thế này

Dưới đây là kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Thanh Loan – Hiệu trưởng - trong việc triển khai giáo dục bảo vệ môi trường.

Cho học sinh trải nghiệm thực tế

Giáo dục bảo vệ môi trường là một nội dung giáo dục quan trọng trong nhà trường tiểu học, nhằm giúp cho học sinh hiểu rõ được sự cần thiết bảo vệ môi trường, hình thành và phát triển ở các em thói quen, hành vi, ứng xử thân thiện với môi trường, bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước và hình thành kỹ năng sống bảo vệ môi trường cho các em.

Theo cô Loan, một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong việc giáo dục bảo vệ môi trường là tổ chức cho các em học sinh trải nghiệm thực tế thông qua hoạt động ngoại khóa.

Theo đó, nội dung được thể hiện ở tất cả các môn học như: Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Nghệ thuật v.v…và gắn vào từng bài học cụ thể.

Chẳng hạn như: Chương trình môn Đạo đức ở tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 đều phản ánh chuẩn mực hành vi đạo đức phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường tự nhiên.

Hay như môn tiếng Việt có thể lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường qua các bài học có nội dung về lòng yêu quê hương, đất nước, ca ngợi thiên nhiên tơi đẹp. Hoặc ở môn Mỹ thuật có thể cho học sinh vẽ tranh về môi trường.

Đối với môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học có thể giúp học sinh hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội, các nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường.

Hai hình thức giáo dục học sinh bảo vệ môi trường

Các tiết học giáo dục bảo vệ môi trường còn giúp các em hình thành kỹ năng sống
Các tiết học giáo dục bảo vệ môi trường còn giúp các em hình thành kỹ năng sống 

Cũng theo cô Loan, Việc giáo dục bảo vệ môi trường thông qua các môn ở tiểu học có thể tổ chức theo hai hình thức đó là: Tổ chức dạy học trong lớp và ngoài thiên nhiên.

Cô Loan trao đổi, đối với phương pháp tổ chức dạy học trong lớp. Để giờ học mang tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh thực hiện điều tra, khám phá, ngoài giờ học thông qua sách, báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc quan sát trực tiếp tại nơi các em sinh sống các vấn đề về môi trường, để hỗ trợ cho giờ học ở trên lớp được tích cực và hiệu quả.

Với phương pháp trên, dù chưa một lần được đặt chân đến Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, chỉ thông qua những bài giới thiệu sinh động, hấp dẫn về bảo tàng cùng với những hình ảnh đẹp, phong phú của khu vườn thực vật và các phòng trưng bày mẫu tiêu bản động vật, thực vật, côn trùng... các em học sinh đã có những trải nghiệm thú vị, đầy cảm xúc. 

Sau buổi tham quan Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam qua Internet, các em đã có tình yêu và những kiến thức rất bổ ích về tài nguyên rừng.

“Đặc biệt, thông qua đó nhiều em đã cảm nhận được rừng có nhiều cây cối, hoa lá và động vật phong phú. Có các loài động vật quý hiếm như: Voi, hổ, báo, gấu... 

Các em biết rừng có vai trò to lớn đối với đời sống và sản xuất của con người. Rừng cho ta nhiều sản vật quý hiếm, rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang giã, rừng còn điều hòa khí hậu, hạn chế nước lũ và chống xói mòn đất. Vì vậy chúng ta cần bảo vệ rừng và trồng rừng” – Cô Loan hồ hởi chia sẻ.

Phương pháp tổ chức dạy học ngoài thiên nhiên. Với phương pháp này, nhà trường sẽ chọn những bài có nội dung giáo dục bảo vệ môi trường trùng với nội dung của bài học thì tiến hành ngoài thiên nhiên nhằm mang lại kết quả cao hơn.

Vì trong môi trường thực tế đó các em sẽ có được những trải nghiệm sáng tạo và cảm xúc thật sự về cảnh quan thiên nhiên, có được những liên tưởng chính xác, chân thực về những vấn đề môi trường và đó cũng chính là những nơi các em thể hiện những hành vi thiết thực nhất để giữ gìn, bảo vệ môi trường.

cô Loan dẫn giải, chẳng hạn như: Những bài học tìm hiểu về lá cây, các loài hoa. Chúng tôi tổ chức cho các em trực tiếp đến tìm hiểu và trải nghiệm thực tế ngay tại vường trường để các em có thể hình dung một cách dễ nhất, sinh động nhất về nội dung của bài học.

“Ngoài các biện pháp trên, trường chúng tôi còn tổ chức giáo dục bảo vệ môi trường được tiến hành thông qua con đường như: Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường qua các môn học. 

Đồng thời, đưa giáo dục bảo vệ môi trường trở thành một nội dung của hoạt động giáo dục và giáo dục bảo vệ môi trường thông qua phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” – Cô Loan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ