Phương pháp dạy học Âm nhạc theo mô hình VNEN

GD&TĐ - Là người trực tiếp tham gia dạy môn Âm nhạc theo mô hình trường học mới, Cô Trương Thị Thu Hằng – Giáo viên Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) đã chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc dạy môn học này theo phương pháp mới VNEN.

tiết học Âm nhạc theo VNEN
tiết học Âm nhạc theo VNEN

Nhập môn

Theo kinh nghiệm của cô Hằng, Học Âm nhạc là môn năng khiếu đặc trưng cho nên không nhất thiết phải áp dụng đúng 10 bước học tập trong mô hình trường tiểu học VNEN như các môn học khác.

Bởi đây là môn năng khiếu, không phải tất cả các yêu cầu khi giáo viên đã hướng dẫn là học sinh đều thực hiện đúng 100% vì nó còn phụ thuộc vào năng khiếu của từng em, những em có năng khiếu thì sẽ cảm nhận tốt và thực hiện được ngay, ngược lại nếu em nào năng khiếu âm nhạc hạn chế thì việc cảm nhận và thực hiện đúng sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, giáo viên cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ về phương tiện dạy học, soạn và tìm hiểu kĩ nội dung bài dạy, xem những tài liệu liên quan đến bài học...

Mặt khác ngay từ những tiết học đầu tiên giáo viên cần lựa chọn, phân loại đối tượng, với những học sinh có năng khiếu tốt về âm nhạc cho các em thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ cũng như các hoạt động ngoại khóa.

Sau đó bồi dưỡng cho các nhóm trưởng và Chủ tịch hội đồng tự quản của lớp về cách điều hành lớp trong giờ học Âm nhạc. Giáo viên định hướng cho các em lựa chon đặt tên cho nhóm của mình, mỗi nhóm tương ứng với nhóm nhạc, ca sĩ nổi tiếng hay tên nốt nhạc.

Sử dụng công nghệ thông tin

 Phương pháp này giúp học sinh ở Hoạt động cơ bản là tìm hiểu bài mới một cách dễ dàng. Cụ thể trong phần tìm hiểu bài tôi thường yêu cầu học sinh VD: Học hát bài Em yêu hòa binh (Âm nhạc 4) từ hình ảnh các em đoán biết nội dung bài học sau đó giáo viên chiếu bài hát có cả nhạc và lời yêu cầu các em tìm hiểu theo nhóm hoặc cá nhân với các nội dung sau: Tên bài, tác giả, số chỉ nhịp, tính chất âm nhạc, các kí hiệu có sử dụng trong bài, nội dung bài hát.

Theo cô Hằng, sử dụng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin là phương pháp mất ít thời gian mà hiệu quả mang lại rất cao bởi học âm nhạc không giống như học toán, văn mà học âm nhạc cần phải quan sát bằng mắt nghe bằng tai sau đó mới cần đến tư duy...

Dạy hát, dạy âm nhạc thường thức, kể chuyện âm nhạc với phương pháp này áp dụng thu hút được lòng say mê học tập của các em ngay từ khi tìm hiểu và giới thiệu bài.

Cô Hằng dẫn giải: Ví dụ nếu chỉ nghe cô giáo hát mẫu hoặc nghe tiếng đàn của cô mặc dù các em đã thích nhưng nếu được quan sát trên hình ảnh các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn thì các em say mê ngay thậm chí có những em từng tâm sự sau khi nghe ca sĩ mà các em yêu mến biểu diễn là ước gì lớn lên em cũng trở thành ca sĩ nổi tiếng… hay khi nghe kể chuyện có thêm hình ảnh câu chuyện sẽ thêm sinh động, hấp dẫn…

Trong các tiết dạy tập đọc nhạc, hướng dẫn chép nhạc, sử dụng các phần mềm soạn nhạc sẽ mất ít thời gian mà việc quan sát tìm hiểu bài, hoạt động tìm kiếm, khám phá rất hiệu quả đồng thời cũng phát huy được năng lực, tay nghề của giáo viên.

Sử dụng nhạc cụ

Theo cô Hằng, sử dụng nhạc cụ là yêu cầu tối thiểu của một tiết dạy Âm nhạc đòi hỏi giáo viên chuyên nhạc phải biết đánh đàn và sử dụng đàn thành thạo. Nhạc cụ dùng trong tiết học là phương tiện sử dụng trọng tâm xuyên suốt để thu hút sự hứng thú học tập của học sinh. 

Giáo viên có thể hát và biểu diễn theo đàn có nhạc điệu kèm theo giúp cho bài hát thêm sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh từ đó các em mới thích được học tập. 

Ngoài việc giáo viên hát mẫu có thể cho học sinh nghe giai điệu bài hát nhiều lần giúp giáo viên đỡ phải hát mẫu nhiều đồng thời giúp cho học sinh phát triển tai nghe một cách có hiệu quả. 

Khi tiến hành dạy từng câu hát giáo viên chỉ cần đàn giai điệu cho học sinh nghe việc đó không những có tác dụng trong khi dạy hát mà còn có tác dụng sửa sai những câu khó hát..

Giúp học sinh luyện thanh

Phương pháp luyện thanh giúp học sinh cách phát âm rõ ràng, phát triển âm vang, tròn âm, rõ chữ, rõ lời ở tất cả các tiết học thì sẽ phát triển giọng nói, giọng hát của học sinh sau này.

Mặc dù theo phương pháp VNEN nhưng hoạt động này người giáo viên luôn là người làm chủ hoạt động. Luyện thanh ở đầu tiết học hát có tác dụng khởi động, làm mềm mại cơ quan cảm âm và phát âm của học sinh. 

Học sinh sẽ nhạy cảm với việc nghe đúng, hát đúng cao độ, cường độ, phát âm và nhả chữ rõ ràng. Luyện thanh đơn giản chỉ tiến hành 2 – 3 phút.

Ví dụ: Trước khi vào học hát giáo viên cho học sinh khởi động giọng qua các mẫu luyện thanh đơn giản dưới đây có thể luyện 1 hoặc 2 mẫu tùy vào thời lượng và nội dung bài học.

Phần luyện thanh theo thang âm cao thấp phụ thuộc vào khả năng sử dụng nhạc cụ của giáo viên có thể sử dụng Tranpot trên đàn để sử lý tầm âm theo ý muốn…chú ý phù hợp với tầm cữ giọng của học sinh.

Luyện thanh trong mỗi tiết học giúp học sinh hát sẽ không mệt, giọng thoáng và trong sáng hơn, giáo viên cần nhắc học sinh sử dụng âm lượng, cường độ vừa đủ để đảm bảo cho nội dung bài học và môi trường xung quanh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ