Phương án thi tốt nghiệp 4 môn: Không lo 'thi gì, học nấy'

GD&TĐ - Trong 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được đưa ra, nhiều ý kiến đồng tình với phương án thi 4 môn.

Thi 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, đam mê ở một số môn học. Ảnh: ITN
Thi 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, đam mê ở một số môn học. Ảnh: ITN

Cho rằng không nên lo lắng thi 4 môn ảnh hưởng đến giáo dục toàn diện, nhiều trường đồng thời chia sẻ quyết tâm, giải pháp bảo đảm kết quả đầu ra theo yêu cầu của chương trình, không phụ thuộc vào số môn thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh chọn môn thi khác nhau

Thầy Phạm Thành Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Văn Cấn (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) nhận định phương án thi Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn là phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Trước ý kiến lo lắng việc học sinh chỉ tập trung vào 4 môn thi này, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thầy Phạm Thành Nhân cho rằng: Chương trình GDPT thực hiện đánh giá quá trình. Quá trình dạy học không đơn thuần cung cấp kiến thức mà định hướng giúp học sinh tự chinh phục kiến thức, kỹ năng; do đó, không quá lo ngại việc các em không chịu học.

Mặc khác, thi 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc giúp học sinh dễ dàng phát huy năng lực cá nhân, đam mê ở một số môn học; từ đó đào sâu để có nền tảng kiến thức tốt hơn cho hành trình học tập sau tốt nghiệp THPT.

Cùng quan điểm không nên lo lắng “thi gì học nấy”, theo thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), kiểm tra luôn là đề mở. Học sinh muốn làm tốt các bài kiểm tra phải huy động kiến thức nhiều môn, cả hiểu biết thực tế và xã hội. Thi 4 môn cũng không ảnh hưởng đến giáo dục toàn diện bởi nhiều lý do; trong đó quan trọng nhất là sự tôn trọng nghề nghiệp của giáo viên. Thầy cô không thể dạy để học sinh nhận xét thiếu tích cực. Ngoài ra, quản lý của nhà trường đang chuyển hướng “quản lý và quản trị”; công tác dân chủ cơ sở, phê và tự phê, tự kiểm tra được duy trì khá tốt.

Cô Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đồng tình với phương án 4 môn bởi giảm nhiều áp lực cho học sinh, gia đình, nhà trường; đồng thời vẫn đáp ứng định hướng nghề nghiệp sau THPT.

Cô Nguyễn Phương Lan khẳng định không đáng ngại về việc ảnh hưởng đến giáo dục toàn diện; vì trong một lớp, học sinh có nhiều nguyện vọng khác nhau nên thầy cô chắc chắn dạy học hết mình để các em giữ được sự hứng thú, tình yêu với môn học. Mặt khác, học sinh muốn có nhiều cơ hội xét tuyển (ví dụ bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội có kiến thức tổng hợp) nên sẽ quan tâm đều các môn, vì vậy không lo việc học lệch.

Cô trò Trường THPT Mường Chiềng trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THPT Mường Chiềng trong giờ học. Ảnh: NTCC

Chỉ đạo quyết liệt dạy và học đều các môn

Thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) nhận định phương án 2+2 là hợp lý, giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém. Với nhà trường, việc ôn tập cho học sinh hướng đến đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được ưu tiên. Do đặc thù đầu vào thấp nên từ đầu năm, nhà trường cùng phụ huynh thống nhất xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh; hiện tổ chức phụ đạo 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Bên cạnh đó, căn cứ nhu cầu người học, trường có biện pháp hỗ trợ hợp lý, bảo đảm định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh tập trung giúp học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt, việc giảng dạy, học tập đều các môn cũng được chỉ đạo quyết liệt, tránh học sinh học lệch. Cụ thể, nhà trường căn cứ hướng dẫn của Bộ/sở GD&ĐT, chú trọng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018; đánh giá, xếp loại người học tuân thủ tuyệt đối theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT.

“Chúng tôi kiểm soát kỹ việc đánh giá, cho điểm của thầy cô, cả đánh giá thường xuyên. Giáo viên được yêu cầu chú trọng đánh giá quá trình nhiều hơn để ghi nhận sự tiến bộ của học sinh. Đánh giá định kỳ cũng được kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, tổ chức thi định kỳ chung toàn trường. Các bộ môn phải nộp ma trận đề đặc tả trước một tuần cho ban chuyên môn. Sau khi ma trận đề đặc tả được thông qua, giáo viên ra đề thi và thực hiện chấm chéo giữa các lớp để bảo đảm công bằng. Sau mỗi đợt kiểm tra định kỳ, nhà trường sẽ trao đổi trực tiếp với giáo viên để điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp”, thầy Nguyễn Văn Minh cho hay.

Là giáo viên tiếng Anh, cô Phạm Thị Thu Trang - Trường THPT Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ mong muốn việc thi cử của học sinh vừa đáp ứng yêu cầu lâu dài xã hội về kiến thức, năng lực người học; vừa tránh gây nặng nề, áp lực cho học sinh. Đó cũng là lý do cô đồng tình với phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn. Giúp học sinh học tốt tiếng Anh dù môn này có thể không là môn thi bắt buộc, cô Thu Trang cho biết sẽ tăng cường tư vấn về đường hướng học tập; thực hiện dạy học phát triển đầy đủ các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết; áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực khác… Từ đó, học sinh phát huy hơn nữa phẩm chất, năng lực, tăng sự yêu thích bộ môn, hiểu được ý nghĩa môn học để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên và toàn diện.

Nhấn mạnh vai trò của kiểm tra, đánh giá học sinh, thầy Phạm Thành Nhân cho biết, nhà trường được Bộ/sở GD&ĐT tập huấn, hướng dẫn kỹ để thực hiện đúng quy định, đạt yêu cầu. Tiến hành kiểm tra tập trung giữa, cuối kỳ là giải pháp nhà trường đang thực hiện giúp bảo đảm chất lượng ở tất cả môn theo chuẩn đầu ra Chương trình GDPT 2018. Dù học sinh chọn môn đó thi hay không vẫn phải bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng như em khác.

Chia sẻ giải pháp tại Trường THPT Tân Sơn để bảo đảm chất lượng dạy học các môn, không bị học lệch những môn thi tốt nghiệp, thầy Nguyễn Văn Hùng nhắc đến đầu tiên là tổ chức và thực hiện nghiệm kế hoạch giáo dục môn học. Sắp xếp học sinh các lớp khách quan, không dồn học sinh chung môn thi học cùng một lớp để các em được học đều các môn. “Nhà trường bám sát các văn bản chỉ đạo của ngành để tuyên truyền trong học sinh, phụ huynh định hướng nghề nghiệp; lựa chọn ngành, trường sau tốt nghiệp THPT phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, sở trường của từng học sinh”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

“Với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, công tác tuyên truyền, định hướng cho học sinh là quan trọng. Cần làm tốt hoạt động này để học sinh nhận thức được việc học đều môn sẽ mở cánh cửa rộng hơn, nhiều cơ hội hơn. Với thầy cô, nhà trường cần nghiêm túc trong dạy học, kiểm tra, đánh giá để học sinh biết rõ năng lực, từ đó lựa chọn ngành nghề, trường phù hợp”, cô Nguyễn Phương Lan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.