Phương án thi mới đánh giá được cả năng lực, phẩm chất của người học

GD&TĐ - Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017, theo như đánh giá của nhiều CBQL ở các trường phổ thông, đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm của Kỳ thi THPT quốc gia 2 năm vừa qua. 

Đổi mới thi cử nhằm đánh giá đúng năng lực và phẩm chất người học
Đổi mới thi cử nhằm đánh giá đúng năng lực và phẩm chất người học

Việc thiết kế các tổ hợp môn thi cùng với việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, buộc HS phải có kiến thức rộng, bao quát và hạn chế được tình trạng học lệch trong HS cũng như việc dạy thêm - học thêm tràn lan.

Trắc nghiệm, tổ hợp môn là xu hướng tất yếu

Thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nhận xét: “Phương án thi THPT quốc gia 2017 sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công tác dạy - học nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không nhiều, trừ các môn thuộc khối Khoa học xã hội”.

Theo phân tích của thầy Lê Vinh, việc đưa hình thức trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán, Bộ GD&ĐT đã có định hướng từ lâu. Và các trường phổ thông vẫn có những tiết kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm để HS làm quen dần nên sẽ không quá mới mẻ đối với cả GV và HS. “Lộ trình của trắc nghiệm đã được Bộ GD&ĐT đưa ra; lúc đầu là với môn Vật lý, sau đó là môn Sinh – Hóa và đương nhiên là sẽ đến môn Toán vì cứ khoảng vài năm là có thêm một môn áp dụng hình thức thi trắc nghiệm.

Vấn đề quan trọng là tỉ lệ trắc nghiệm trong tổng môn chứ không phải trong từng môn, để qua bài làm của mình, HS có cơ hội thể hiện được những cách làm sáng tạo của mình, đây cũng là cách để phân hóa được HS” – thầy Vinh nhấn mạnh.

Cô Ngô Thị Trúc – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) chia sẻ quan điểm: “Đối với những vùng có nhiều HS chọn khối C để thi tuyển sinh ĐH, việc môn Toán sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh sẽ thuận lợi”. Theo như phân tích của cô Ngô Thị Trúc, môn Toán là môn đòi hòi tư duy logic cao, nếu như lâu nay, thí sinh cứ phải làm tuần tự đủ các bước, bước 1 làm đúng, qua bước 2 hay kết quả sai cũng không được điểm hoặc ngược lại.

Chính vì vậy, số lượng HS học khá các môn xã hội của Trường THPT Hướng Phùng bị điểm liệt môn Toán khá nhiều. “Với thi trắc nghiệm, chỉ cần kết quả đúng là các em có điểm rồi, dù có thể khi làm, các em không làm đủ tuần tự các bước như đáp án”.

Những điều chỉnh trong Dự thảo phương án thi cũng được nhiều CBQL GD đánh giá là chỉ mang tính kỹ thuật, khối lượng kiến thức trong dạy – học sẽ không thay đổi, vấn đề còn lại, theo như kinh nghiệm của nhiều CBQL GD, HS phải nắm bắt được phương pháp học, vận dụng những đơn vị kiến thức đã được học dưới dạng trắc nghiệm.

Theo thầy Lê Vinh thì “với môn Lịch sử và Địa lý, việc dạy học sẽ không có gì thay đổi nhiều; nhưng trong quá trình dạy, GV phải có sự định hướng, dẫn dắt để HS nắm vững những đơn vị kiến thức và sử dụng các đơn vị kiến thức đó dưới dạng trắc nghiệm”.

Cô Ngô Thị Trúc cho rằng, chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm đối với các môn KHXH, đối với địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội như Hướng Phùng, đầu vào của HS cũng thấp, năm đầu tiên sẽ gặp không ít khó khăn: “Nhưng nếu cứ ngại khó mà không triển khai thì đợi đến bao giờ. Chúng tôi tin tưởng vào đội ngũ GV giàu nhiệt tình, vững về chuyên môn, thành thạo CNTT sẽ hỗ trợ cho học trò rất nhiều trong quá trình dạy – học”.

Ủng hộ đưa Giáo dục công dân vào tổ hợp môn thi

Đưa Giáo dục công dân (GDCD) vào tổ hợp môn thi Khoa học xã hội là điều mà các CBQL GD đều rất tâm đắc. “Môn GDCD là môn quan trọng trong hình thành nhân cách của HS, đưa vào thi là rất hay” – thầy Lê Vinh cho biết. Với việc đưa môn GDCD trở thành một trong những môn tự chọn, đã giúp môn học trở về đúng vị trí.

Cũng đồng ý với nhận xét này, thầy Nguyễn Thành Lễ cho rằng, ngoài mục tiêu giáo dục cho học sinh các chuẩn mực đạo đức và kiến thức pháp luật của người công dân, môn GDCD còn tích hợp nhiều nội dung giáo dục xã hội cần thiết cho các công dân trẻ tuổi về kỹ năng sống, góp phần hình thành và phát triển nhân cách của HS.

Thế nhưng, thực tế việc dạy - học môn học này ở các trường phổ thông vẫn còn nhiều bất cập, “tâm lý chung của HS và GV là học cho hết chương trình, vì đây không phải là môn thi tốt nghiệp. Một khi môn GDCD trở thành một trong những môn tự chọn, cách dạy – học cũng như ý thức của cả GV và HS sẽ phải khác đi, và đây là con đường mà chúng ta hướng đến để giáo dục toàn diện cho HS” – thầy Lễ cho biết.

BGH các trường THPT, ngay từ khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo phương án thi THPT quốc gia đã nghiên cứu rất kỹ để quán triệt cho Hội đồng sư phạm cũng như giải thích, tuyên truyền đến HS, phụ huynh: “Mới cái gì, không mới cái gì”, phân tích cho phụ huynh thấy hết được những thuận lợi trong đổi mới tuyển sinh…

Thầy Vinh cho biết: “Không có một phương án nào là hoàn toàn hoàn hảo, chúng ta chỉ có thể chọn phương án nào nhiều ưu điểm nhất mà thôi. Như với hình thức thi trắc nghiệm, kể cả với các môn KHXH, thì mức độ chính xác về điểm số là rất cao, hạn chế được tiêu cực trong thi cử, không có những sơ suất hay cảm tính trong công tác chấm thi, kiểm tra được độ rộng về mặt kiến thức cũng như sự bao quát của thí sinh…”.

Chính vì vậy, thầy Lễ cho rằng: “Công tác truyền đạt cũng rất quan trọng, nhiều năm làm công tác quản lý, tôi nghiệm ra rằng, cứ cái gì mới thì thường người tiếp nhận sẽ có tâm lý phản ứng. Nhưng một khi có đầy đủ thông tin, không bị mơ hồ thì phụ huynh và HS sẽ hết hoang mang, lo lắng.

Và một khi HS được chuẩn bị tốt cả về kiến thức, kỹ năng lẫn tâm lý thì chúng tôi rất tin tưởng đây sẽ là một kỳ thi thực chất” - thầy Lễ nhấn mạnh: “Chúng ta đừng trầm trọng quá sẽ khiến cho HS có tâm lý bi quan và sợ hãi, trong khi chủ trương của Bộ GD&ĐT là giảm bớt áp lực thi cử cho các em”.

Vấn đề còn lại, cả HS, GV và CBQL các trường THPT đều mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi, đề minh họa cũng như lộ trình đổi mới công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, để các trường có thể bắt nhịp kịp với những đổi mới.

Thầy Nguyễn Thành Lễ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) phân tích: “Đúng là cả GV Toán và HS đều bối rối khi môn Toán sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Lâu nay, cấu trúc đề thi tự luận đã rõ ràng, GV cũng quen với phương pháp dạy để HS đáp ứng được yêu cầu của việc làm bài thi tự luận, giờ thay đổi thì cần phải có thời gian để thích ứng. Nhưng nếu Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi cùng với đề thi minh họa sớm, GV và HS sẽ hình dung được để có những điều chỉnh hợp lý. Ngay như thời điểm áp dụng thi trắc nghiệm với môn Vật lý, Hóa học, không phải đều được dư luận đồng tình, nhưng chỉ sau một năm là đi vào ổn định”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ