Trái lại, phương pháp này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân và gây hại môi trường.
99% ca mắc lây lan trong nhà
Sáng 26/7, triển khai chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm và Binh chủng Hóa học đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ địa bàn để phòng dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Hà Nội phun khử khuẩn diện rộng để phòng dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Trước đó, sáng 23/7, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức ra quân khử khuẩn. Đồng thời, tiêu độc diện rộng bằng hóa chất chuyên dụng trên toàn địa bàn thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, việc phun khử khuẩn diện rộng có thể gây hại đến người dân và môi trường. Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) nhấn mạnh, phun khử khuẩn nơi công cộng không có hiệu quả chống Covid-19.
Lý giải về nhận định này, chuyên gia cho biết, 99% ca lây lan Covid-19 là trong nhà, thay vì ngoài trời. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn dẫn chứng, một nghiên cứu của Trung Quốc vào năm ngoái cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm trong nhà là 7322/7324 (gần 100%). Trong khi đó, con số này so với ngoài trời là 2/7324 hay 0,03%.
Ngoài ra, nghiên cứu khác của Trung Quốc với cỡ mẫu nhỏ hơn cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm trong nhà là 96%. Con số này ở ngoài trời là xấp xỉ 4%. Tương tự, với một nghiên cứu khác trên gần 11.000 ca nhiễm, kết quả là 99,1% lây nhiễm trong nhà.
Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 lây truyền qua những giọt bắn từ người bị nhiễm. Những giọt này đi vào không khí khi người bị nhiễm ho hay hắt hơi. Từ đó, những người đứng gần có thể nhiễm bệnh.
“Virus này tồn tại trong không khí chừng 3 giờ đồng hồ. Nó tồn tại 2 - 3 ngày trên bề mặt các vật dụng làm bằng inox hay sắt thép. Có nghiên cứu cho biết, nó có thể tồn tại trên vật dụng trong nhà đến 9 ngày. Do đó, phun xịt ngoài trời không có hiệu quả gì cả”, Giáo sư Tuấn nhận định.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, thay vì vệ sinh ngoài trời, nên thực hiện điều đó ở trong nhà. Bởi, theo một phân tích ở Pháp, những nơi trong nhà hay lây nhiễm nhiều nhất bao gồm: Nhà ở (13%); Phương tiện đi lại công cộng (12%); Nhà hàng, quán ăn (7%); Nơi làm việc (2%); Trường học (~2%); Bệnh viện (1.7%).
Tác hại từ phun khử khuẩn
Trong khi đó, giáo sư Tuấn cảnh báo, phun xịt hoá chất “bừa bãi” có thể gây tác hại cho công chúng.
“Thay vì làm vậy, nên tổ chức những đoàn tình nguyện khử khuẩn ở những ghế đá công viên”, chuyên gia chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) cũng bày tỏ quan điểm về việc không nên phun khử khuẩn ở nơi công cộng để diệt Covid-19. Theo TS Vũ, hành động này không mang lại lợi ích đáng kể trái lại, còn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cũng nhấn mạnh: “Virus không có ở ngoài đường”. Theo bác sĩ Khanh, virus SARS-CoV-2 có trong họng người F0, ở phòng kín, lạnh, trên bàn tay.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, cần dừng việc phun hoá chất diện rộng. Bởi, PGS Nga nhấn mạnh, SARS-CoV-2 tồn tại chủ yếu trong đường hô hấp của người bệnh.
Nó được thoát ra khi ho, khạc, nói chuyện, hắt hơi và không tồn tại trong không khi đường phố. Bởi vậy, việc phun khử khuẩn diện rộng không có tác dụng gì chống Covid-19.