Phúc thẩm vụ luật sư bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản của thân chủ:

GD&TĐ - Ngày 26/11, TAND cấp cao tại TPHCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án cựu luật sư Trần Hữu Kiển (sinh năm 1981, từng là luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) bị cáo buộc về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Cựu luật sư Trần Hữu Kiển tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, ngày 26/11. Ảnh: CTV
Cựu luật sư Trần Hữu Kiển tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, ngày 26/11. Ảnh: CTV

Mặc dù vụ án từng bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy án nhưng sau đó cấp sơ thẩm TAND tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục tuyên phạt bị cáo cựu luật sư Trần Hữu Kiển 12 năm tù và buộc bị cáo phải hoàn trả cho bị hại 950 triệu đồng đã chiếm đoạt.

Viện KSND đề nghị bác kháng cáo, bị cáo kêu oan

Theo đó, ngày 26/11, TAND cấp cao tại TPHCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án cựu luật sư Trần Hữu Kiển (sinh năm 1981, từng là luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) bị cáo buộc về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của thân chủ, sau lần hoãn xử vào ngày 10/7.

Ở phần thủ tục, HĐXX thông báo thẩm phán, thư ký phiên tòa sơ thẩm được triệu tập tham gia tố tụng có đơn xin vắng mặt. Các điều tra viên thuộc Công an tỉnh Bến Tre điều tra vụ án có mặt tại phiên xử muộn. Đồng thời, việc dẫn giải một người làm chứng đến phiên tòa này cũng được cơ quan công an thông báo không tiến hành được vì không rõ người này đi đâu, cư ngụ tại đâu.

Phía bị cáo Kiển có ý kiến mong tòa ngưng phiên xử để tiếp tục triệu tập thẩm phán, thư ký phiên sơ thẩm đến tòa làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng tùy diễn biến phiên xử sẽ xem xét yêu cầu này thêm và vẫn tiến hành phiên tòa.

Tại phiên tòa lần này, đại diện Viện KSND đề nghị bác kháng cáo, trong khi các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiển vẫn giữ nguyên quan điểm là bị cáo Kiển không có tội. Sau khi tiến hành tranh luận, chủ tọa thông báo HĐXX quyết định nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 27/11.

Cụ thể, trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM dẫn chứng cho rằng, ngày 29/12/2014, sau khi nhận được số tiền từ cơ quan thi hành án, bị cáo Kiển không chuyển trả tiền cho bà Thủy và lại tiến hành các thủ tục mua bán hồ sơ với bà Thủy. Do không được biết về việc Kiển đã nhận tiền từ cơ quan thi hành án, bà Thủy đã tiến hành ký các biên bản thỏa thuận về việc chi trả tiền và các thủ tục yêu cầu giám đốc thẩm.

Sau nhiều lần nghi ngờ, bà Thủy đã biết được hành vi gian dối của bị cáo. Như vậy, bị cáo Kiển đã có hành vi gian dối dù đã nhận được tiền nhưng không chuyển cho bà Thủy mà lại tiến hành các văn bản thỏa thuận để mua bán hồ sơ. Các văn bản Kiển ký với bà Thủy về sau để che đậy hành vi gian dối của mình.

Còn bị hại kháng cáo yêu cầu tính lãi số tiền bị cáo đã chiếm đoạt nhưng đây là vụ án hình sự nên đề nghị không xem xét lãi. Từ đó, đại diện Viện KSND cho rằng, xử phạt bị cáo Kiển về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, phía bị cáo Kiển cho rằng, việc HĐXX yêu cầu trả lời ngắn gọn không thể hiện được những mâu thuẫn của vụ án. Đồng thời, đề nghị HĐXX ghi nhận đúng và khách quan những nội dung bị cáo và bị hại, người liên quan, người làm chứng tránh trường hợp ghi thiếu như bản án sơ thẩm.

“Bị cáo đã ghi lời trình bày gửi trước cho HĐXX và nêu chín nhóm chứng cứ như trong bài bào chữa đã gửi. Bị cáo cho rằng, HĐXX sơ thẩm vi phạm tố tụng khi không cho trình bày ý chí về chứng cứ của bị cáo, biên bản phiên tòa sơ thẩm ghi sai nội dung” - bị cáo Kiển trình bày tại tòa.

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Kiển cho rằng việc làm hồ sơ cho bà Thủy vì lợi ích của khách hàng và việc Viện KSND truy tố bị cáo là không đúng nên đề nghị HĐXX minh oan.

Phía luật sư bào chữa cũng nhấn mạnh về khoản tiền cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bị cáo rút ra tiêu xài. Nhưng bằng chứng nào cho rằng bị cáo tiêu số tiền này khi cơ quan điều tra bất ngờ khám xét nơi ở và nơi làm việc vẫn có đủ số tiền? Đồng thời, luật sư kiến nghị bản án sơ thẩm cần bỏ đi nội dung này vì không phù hợp và ngày hôm nay Viện KSND nhắc lại là không cần thiết. Ngoài ra, bị cáo Kiển nêu đã yêu cầu thu thập diễn biến phiên tòa sơ thẩm nhưng hiện nay chưa được thấy kết quả.

Tòa cấp cao tuyên hủy án nhưng sơ thẩm vẫn y án?

Theo hồ sơ vụ án, tháng 8/2014, bà Trương Thị Thu Thủy ủy quyền cho luật sư Kiển làm người đại diện chia thừa kế với các đồng thừa kế khác, đảm bảo số tiền bà Thủy nhận được tối thiểu là 1 tỉ đồng. Cuối năm 2014, Cục Thi hành án (THA) dân sự TPHCM đã chuyển hơn 5,9 tỉ đồng (gồm lãi phát sinh và trừ phí THA) vào tài khoản chung của ông Kiển và ông Trần Quang Thuần (đại diện cho các đồng thừa kế khác). Vài ngày sau, ông Thuần đã chuyển số tiền chia cho bà Thủy gần 1,4 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Kiển.

Theo hợp đồng, ông Kiển phải trả tiền thừa kế cho bà Thủy ngay sau khi nhận được tiền. Tuy nhiên, ông Kiển đã rút 1,4 tỉ đồng khỏi tài khoản cá nhân mà không trả cho bà Thủy. Đến giữa năm 2015, ông Kiển đặt vấn đề mua hồ sơ thừa kế của bà Thủy với giá 750 triệu đồng. Trong khoảng thời gian từ ngày 7/7/2015 đến ngày 22/1/2016, ông Kiển đã ký tiếp ba bản thỏa thuận sẽ trả số tiền 750 triệu đồng cho bà Thủy nhưng đã quá thời hạn ông Kiển vẫn không trả…

Cho rằng ông Kiển muốn chiếm đoạt số tiền của mình, ngày 25/11/2016, bà Thủy thông báo chấm dứt, hủy bỏ việc ủy quyền đối với LS Kiển, đồng thời gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu LS Kiển phải trả toàn số tiền gần 1,4 tỉ đồng cùng với lãi suất phát sinh từ tháng 12/2014 (tương đương 326 triệu đồng).

Theo luật sư Đỗ Thị Hoàng Yến, trong quá trình lấy lời khai và tại phiên tòa, bị cáo Kiển khai là có thông báo cho bà Thủy về việc đã nhận tiền và các điều kiện nhận tiền do ông Thuần đặt ra, còn bà Thủy thì phủ nhận. Việc bị cáo Kiển thông báo mặc dù không được lập thành văn bản, tuy nhiên, trong quá trình lấy lời khai của bị cáo và của người bị hại, người làm chứng cũng như tại phiên tòa chứng minh bị cáo Kiển có thông báo cho bà Thủy.

Một điểm đáng lưu ý, tháng 11/2018, TAND cấp cao tại TPHCM đã từng ra quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trong đó có nội dung trước đây bị cáo Kiển có yêu cầu tiếp cận hồ sơ để thực hiện quyền tự bào chữa nhưng không được chấp nhận..., đồng thời cần làm rõ một số vấn đề liên quan hành vi của bị cáo.

Tuy nhiên, tháng 11/2019, TAND tỉnh Bến Tre tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Kiển 12 năm tù và buộc bị cáo phải hoàn trả cho bị hại 950 triệu đồng đã chiếm đoạt, với cáo buộc về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đó, tại phiên sơ thẩm lần một, TAND tỉnh Bến Tre cũng đã tuyên phạt Kiển 12 năm tù. Bản án này sau đó bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.