Phục hồi mâm ngũ quả Đồng Xuân ngày Tết Trung thu

GD&TĐ - Mỗi dịp Trung thu, người nay lại thấy tục chơi xưa thưa vắng dần, những nét văn hóa ấy cứ rơi rụng như thể báo hiệu tất cả sẽ chỉ còn là quá khứ.

Mâm ngũ quả làm từ bột nếp rang.
Mâm ngũ quả làm từ bột nếp rang.

Việt Nam là nước duy nhất có tục chơi con giống bột dịp Tết Trung thu, trong đó Hà Nội ba sáu phố phường lại nổi tiếng với đặc trưng mâm ngũ quả Đồng Xuân.

“Hồi sinh” nghệ thuật con giống bột

Nếu như làng Xuân La (Phú Xuyên) nổi tiếng với con giống bột tò he sặc sỡ sắc màu từ hình thù ngộ nghĩnh của những con vật, thì phố cổ Hà Nội lại lắng đọng bởi đặc trưng mâm ngũ quả Đồng Xuân. Thế nhưng mỗi dịp Trung thu, người nay lại thấy tục chơi xưa thưa vắng dần, những nét văn hóa ấy cứ rơi rụng như thể báo hiệu tất cả sẽ chỉ còn là quá khứ.

Con giống bột, hay còn gọi là tò he - một loại đồ chơi truyền thống của trẻ em nước ta, được làm từ bột gạo nếp dưới dạng các hình tượng ăn được như động vật, hoa quả hoặc nhân vật trong truyện cổ tích. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, Việt Nam là đất nước duy nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi dịp Tết Trung thu.

Đáng tự hào là tục lệ này đã có từ vài trăm năm trước, mang đậm hương vị văn hóa truyền thống. Tại Viện Viễn Đông Bác cổ, hiện vẫn còn lưu giữ tư liệu cùng những bức ảnh về con giống bột được chụp từ hồi đầu thế kỷ 20. Trong số đó, có bức ảnh với dòng chú thích “Đồ chơi bằng bột nhuộm màu của Tết Trung thu Hà Nội”.

Thời xưa, nghệ thuật nặn tò he là một trò chơi phổ biến nhất của trẻ em Hà Nội. Ngoài sự góp mặt của các thợ tò he vùng Phú Xuyên, còn các nghệ nhân tò he của phố cổ. Ngoài con giống của thợ làng Xuân La, những mẫu quả và hoa từ đôi tay khéo léo của thợ tò he phố cổ đã tạo sự nhộn nhịp và bắt mắt mỗi dịp Trung thu về.

Tuy nhiên sau thời kỳ chiến tranh, các con giống bột Hà Nội dần bị thất truyền và rất ít người còn biết đến một cách đầy đủ. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng, con giống bột Trung thu Hà Nội có ba xuất xứ chính: Khu vực Đồng Xuân (các phố Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Mã…), phố Khách (Hàng Buồm, Mã Mây…) và làng Xuân La (Phú Xuyên).

Những năm 1995, ông Bách vẫn thấy một thiếu nữ bán con giống bột Trung thu ở phố Hàng Mã. Sau đó không thấy nữa và nghe nói bà cụ trong gia đình cô thiếu nữ này không làm con giống nữa do không còn sức khỏe để giữ nghề.

Đến năm 1998, trong một lần tìm kiếm, ông Bách gặp một thiếu niên nặn tò he tên là Đặng Văn Hậu - người huyện Phú Xuyên. Lúc đó hỏi chàng thiếu niên này và ông ngoại anh ấy về con giống bột Trung thu Hà Nội thì cả hai đều không biết.

Gần chục năm sau, vào năm 2012 chàng trai Đặng Văn Hậu vô tình gặp bà Phạm Nguyệt Ánh ở Nhân Hòa (Hà Nội). Bà Nguyệt Ánh trước kia ở Đồng Xuân, vốn là nghệ nhân dòng giống bột Đồng Xuân rất nổi tiếng. Từ đây, “bộ ba” nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân Đặng Văn Hậu và bà Nguyệt Ánh cùng nhau khôi phục các con giống bột đã bị thất truyền.

Tuy nhiên phải đến năm 2017, khi tài liệu từ Viện Viễn Đông Bác cổ và các hình ảnh từ Pháp mà bạn bè nhà nghiên cứu Trịnh Bách gửi về, thì các mẫu con giống cổ truyền mới dần được thực hiện. Sau đó, ba dòng con giống bột và con bánh chim cò, mâm ngũ quả đã được tái hiện. Đó là lý do mà vài năm trở lại đây, trò chơi nặn con giống bột phát triển khá đa dạng tại làng Xuân La nói riêng, và tại phố cổ Hà Nội nói chung.

tet trung thu phuc hoi mam ngu qua dong xuan (2).jpg

Lan tỏa nét đẹp văn hóa xưa

Nhằm kể câu chuyện truyền thống và lan tỏa nét đẹp văn hóa với mâm ngũ quả Đồng Xuân, dịp Trung thu 2024 các bạn trẻ của Tò he Việt tổ chức workshop “Hồi ức tuổi thơ - Mâm ngũ quả Đồng Xuân” với sự hướng dẫn là nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh - truyền nhân cuối cùng của con giống bột Đồng Xuân.

Theo bà Nguyệt Ánh, mỗi con giống bột mang một câu chuyện, một ý nghĩa khác nhau nhưng đều hướng đến tính giáo dục cho trẻ nhỏ yêu cuộc sống, trân trọng những giá trị lịch sử và truyền thống. Trước đây, những con giống nhỏ xinh bằng bột là những món đồ chơi đặc biệt được yêu thích của trẻ em Hà Nội, và được bày bán khắp các phố phường vào dịp Trung thu.

tet trung thu phuc hoi mam ngu qua dong xuan (3).jpg
tet trung thu phuc hoi mam ngu qua dong xuan (4).jpg
Nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh hướng dẫn nặn hoa quả theo phong cách Đồng Xuân.

Mâm cỗ trông trăng muốn trở nên lộng lẫy, bắt mắt cũng không thể thiếu những con giống bột sặc sỡ này. Tuy nhiên, trong dòng chảy hiện đại, con giống bột đã dần dần bị mai một và thất truyền.

Sau nhiều năm nghiên cứu dưới sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân Nguyệt Ánh đã tái hiện những sản phẩm truyền thống, đưa mâm ngũ quả Đồng Xuân trở lại dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Trong không gian cổ kính của Quán Cầm trên phố Nguyễn Thượng Hiền, đông đảo các em nhỏ và cả những người trẻ háo hức nghe nghệ nhân kể về Trung thu xưa và tận mắt thấy cách để làm ra một mâm ngũ quả tuyệt đẹp to bằng kích thước thật. Chuối, bưởi, cam, hồng xiêm, đu đủ... từ phối màu, đến hình dáng đường nét, tất cả đều như thật và đặc biệt có thể ăn được chứ không chỉ để ngắm nhìn.

Con giống bột Hà Nội xưa có hai dòng chính, một của người Hà Nội, một của người Trung Quốc. Trong đó, dòng sản phẩm của người Hà Nội được gọi là con giống bột Đồng Xuân. Người Hà Nội dùng bột nếp rang chín và pha thêm bột năng, nước đường trộn màu để nặn. Mỗi dòng bột có thế mạnh khác nhau, nhưng nếu biết nhấn nhá, tỉ mỉ thì bột nếp rang Hà Nội có thể đạt đến mức tinh xảo, ngay cả với các chi tiết nhỏ hơn mũi kim.

Không dừng lại ở mâm ngũ quả, bộ lục súc, bộ đầu sư tử, mẫu con giống bột, các đồ vật như bộ ấm chén, chậu hoa, hòn non bộ, đôi hài thêu… theo phong cách Đồng Xuân cũng được nghệ nhân Nguyệt Ánh tỉ mỉ chế tác và hướng dẫn. Từ những gợi ý, người tham gia được tận tay nhào nặn cho mình những tác phẩm hoàn chỉnh, để hiểu thêm giá trị và nét đẹp trong từng con giống bột cũng như ý nghĩa nhân văn trong mâm ngũ quả Trung thu xưa.

“Năm 1965 khi Mỹ đánh phá miền Bắc, Hà Nội bắt đầu hiếm người làm hoa quả, con giống bột. Khoảng chục năm sau, bố tôi khôi phục lại nghề, nhưng mãi sau này tôi mới kế nghiệp. Trong thời bao cấp, các cụ mỗi khi lên đình, chùa và vì thiếu thốn nên thường đến chỗ tôi để đặt hàng làm hoa, mâm ngũ quả bằng bột”, nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ