Phục chế phim tài liệu 'Hà Nội trong mắt ai':Để di sản sống giữa cộng đồng

GD&TĐ - Phục chế các tài liệu, di sản văn hóa nghệ thuật đang là vấn đề lớn của nhiều đơn vị có trách nhiệm.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Dự án phục chế phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” (đạo diễn Trần Văn Thủy) của Viên Hồng Quang cùng các cộng sự đang thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu di sản, yêu văn hóa nghệ thuật.

Viên Hồng Quang được biết đến là một kỹ sư công nghệ thông tin thế hệ 9X sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội. Anh có niềm say mê đặc biệt với công việc phục chế những tư liệu ảnh, những thước phim đen trắng bằng phương pháp thủ công kết hợp với sự hỗ trợ của AI. Những sản phẩm mà Quang đã phục chế đều trên tinh thần tự nguyện, cá nhân chi trả kinh phí chứ không dựa vào một quỹ tài trợ nào.

Với “Hà Nội trong mắt ai”, đây là dự án phục chế phim tài liệu màu đầu tiên của anh, với mong muốn được tiếp cận với khung cảnh Hà Nội của hơn 40 năm về trước một cách chân thực, sinh động.

Phục chế các tài liệu, di sản văn hóa nghệ thuật đang là vấn đề lớn của nhiều đơn vị có trách nhiệm. Ngay Viện phim Việt Nam, nơi được trang bị nhân lực và vật lực đầy đủ thì công việc bảo quản và phục chế những thước phim bị hư hại cũng còn rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và kinh phí.

Công việc phục chế mà Viên Hồng Quang và các cộng sự đang thực hiện xuất phát từ mong muốn và đam mê cá nhân. Cũng chưa có những đánh giá nào từ phía các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về chất lượng sản phẩm của họ, những động viên khích lệ hay những khuyến cáo nào.

Mặt khác, có nhiều ý kiến về cách phục chế, làm màu cho các thước phim hay ảnh đen trắng này. Không phải ai cũng đồng tình, thích thú, bởi sự khác nhau về quan niệm thẩm mỹ, tôn trọng tính nguyên vẹn của tác phẩm nghệ thuật hay di sản văn hóa.

Song những gì mà Viên Hồng Quang cùng bạn bè đang thực hiện cho thấy tình yêu cùng trách nhiệm của tuổi trẻ với lịch sử, với văn hóa dân tộc. Họ quan tâm, họ rung động, và đặc biệt họ không thờ ơ, không lãng quên.

Lượt xem và chia sẻ, tương tác với các sản phẩm phục chế của họ trên mạng xã hội cũng cho thấy sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng. Lịch sử không bị lãng quên. Lịch sử luôn tiếp tục đồng hành với hiện tại theo những cách khác nhau.

Và cũng theo những cách khác nhau, người trẻ tiếp cận với lịch sử, với di sản văn hóa dân tộc. Những điều mà thế hệ đi trước chưa biết hoặc chưa sáng tỏ, họ sẽ tiếp tục muốn biết, muốn được sáng tỏ.

Những điều mà ngày hôm qua từng được coi là bất biến, thì ngày hôm nay họ sẽ nhìn nhận lại, đa chiều hơn, khách quan hơn, rút ra kinh nghiệm để trưởng thành và trân trọng hơn những gì đang có.

Thế giới chúng ta đang sống thay đổi từng ngày. Trao niềm tin cho thế hệ trẻ cũng là cách để giữ gìn các giá trị, để di sản luôn được sống một đời sống trọn vẹn chứ không chỉ nằm yên trong những ngăn lưu trữ đảm bảo về tiêu chí độ lạnh và độ ẩm mà xa lạ với cộng đồng xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên dự tập huấn.

STEM 'gieo mầm sáng tạo' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - STEAM qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ mầm non sáng tạo, kỹ năng khám phá và áp dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi.