Cùng nâng niu, phát huy di sản văn hóa

GD&TĐ - Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công bố liền nhận được sự quan tâm của dư luận.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Ở lĩnh vực ẩm thực, cùng với mì Quảng, danh mục này còn có sự hiện diện của hai thương hiệu phở nổi tiếng: Hà Nội và Nam Định.

Trước đó từng có những tranh luận về hai tri thức dân gian đó về việc ở địa phương nào ngon hơn, có hương vị ấn tượng hơn và được ưa thích nhất... Người thì cho rằng, nói đến phở thì nhất định phải là Hà Nội.

Không phải thế thì tại sao các nhà văn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn… đều chọn phở Hà Nội để tán dương trong tùy bút của mình.

“Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng cứ ngọt lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có gì là hóa học”, như tùy bút “Phở bò – món quà căn bản” trong cuốn “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nguồn gốc của phở bò ở Nam Định (Vân Cù, Đồng Sơn, Nam Trực). Theo đó, người làng Vân Cù mang theo nghề này lập nghiệp khắp nơi nên gần như ở vùng miền nào của đất nước cũng có những quán phở bò Nam Định nổi bật và cũng được nhiều người tấm tắc. Điểm nổi bật của món ăn này là có hương vị đậm đà và bánh phở tự tráng thủ công đạt tiêu chí “mềm, mỏng, dai”.

Thực ra, cùng một món ăn với các khâu chế biến cơ bản giống nhau thì ở mỗi địa phương luôn sáng tạo cho mình bí quyết riêng và truyền nhiều đời để tạo hương vị đặc sắc.

Chính điều đó sẽ tạo sự khác biệt, hấp dẫn để mỗi thực khách đến vùng đất nào cũng có thể thưởng thức, trải nghiệm và lưu luyến. Và các so sánh không bao giờ có đáp án cuối cùng tiếp tục đem lại sự quyến rũ khó rời. Với phở Hà Nội và phở Nam Định cũng vậy.

Bởi vậy, đừng mất thời gian với những luận bàn, so bì rằng phở nào mới là đệ nhất mà cần thiết hơn cả là việc chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đó bằng những việc làm thiết thực.

Đó là việc tăng cường công tác quản lý của Nhà nước cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực, cộng đồng… trong việc gìn giữ, bảo vệ, quảng bá giá trị thương hiệu các di sản không chỉ ở trong nước mà cả ra thế giới.

Bên cạnh đó, các di sản này cũng đầy tiềm năng góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của nước nhà, nhất là trong lĩnh vực du lịch với các trải nghiệm di sản, ẩm thực...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ