Bởi vậy, việc thành lập quỹ xem ra là giải pháp “gỡ khó” hiệu quả trong công tác bảo tồn di sản.
Tạo nguồn lực bảo tồn di sản
Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VH,TT&DL thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án này sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Tại Kỳ họp thứ 7, góp ý vào dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự cần thiết phải sửa đổi để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến văn hóa; khắc phục những khó khăn, vướng mắc do Luật hiện hành quy định.
Việc sửa đổi, bổ sung cũng là cấp thiết bởi các vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đáp ứng với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên về việc bảo tồn các di sản văn hóa.
Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cơ bản phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan; phù hợp với các Công ước của UNESCO như: Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972; Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003.
Theo dự thảo Luật, nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài... Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách và ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ.
Để đạt hiệu quả, các đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của việc thành lập quỹ và có các quy định cụ thể, phù hợp để bảo đảm hoạt động của quỹ công khai, minh bạch. Đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù để quản lý tài chính về thu chi, như: Phí, lệ phí, kinh phí hỗ trợ, việc duy tu, sửa chữa… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tại Khoản 1 Điều 90 của dự thảo luật quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ”.
Như vậy, quỹ bảo tồn di sản văn hóa được đề xuất quy định như một hình thức xã hội hóa thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thông qua quy định về nội dung, hình thức, cơ chế khai thác, sử dụng di sản văn hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Luật hóa với những quy định cụ thể
Theo Cục Di sản Văn hóa, nước ta có khoảng 40.000 di tích và khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, với 498 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu.
Có thể nói di sản văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, nhưng trong sự phong phú ấy lại có nhiều di sản đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong khi ngân sách Nhà nước hạn chế, việc kêu gọi thành lập hay vận hành quỹ lại không có cơ sở pháp lý.
Dù Nhà nước từng có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ nhưng vì không có quy định rõ ràng nên ngành di sản luôn bị động trước các tình huống cấp bách. Kéo theo đó là hệ lụy di tích không thể phục hồi khi xuống cấp, cổ vật không thể hồi hương vì vướng thủ tục pháp lý…
Điều này dễ nhìn thấy từ câu chuyện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” vào cuối năm 2023. Trước sự kiện nhà đấu giá sắp đưa lên sàn, TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế khẳng định: “Từ trước đến nay, chưa có một bảo tàng công lập nào ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật thành công, do những rào cản của thủ tục và hạn chế về nguồn lực tài chính”.
Vì không có quy định cho sử dụng ngân sách Nhà nước, không có quỹ về hồi hương cổ vật nên cuối cùng, việc đưa cổ vật về nước phải dựa hoàn toàn vào nguồn lực tư nhân.
Trên thế giới, quỹ phát triển văn hóa được nhiều quốc gia thực hiện hiệu quả. Ngay tại nước ta, quỹ bảo tồn văn hóa của Hoa Kỳ đã hỗ trợ tài chính giúp Việt Nam được hưởng lợi suốt 20 năm qua, với 16 dự án được thực hiện bảo tồn.
Hay như tại Thừa Thiên Huế, quỹ bảo tồn di sản Huế do Chính phủ thành lập và giao cho địa phương quản lý, nhằm huy động nguồn lực để trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Hiệu quả đã nhìn thấy rõ khi mới đây, vào tháng 6/2024 Thừa Thiên Huế đã tổ chức khánh thành dự án tu bổ lăng hoàng hậu Từ Dũ hoàn toàn từ nguồn quỹ này.
Ngày 3/7, trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân ủng hộ để quỹ bảo tồn di sản văn hóa có nguồn thu đảm bảo, thì cần có thêm những quy định cụ thể, chặt chẽ để quỹ có tính khả thi.
“Việc sử dụng, tổ chức, quản lý, điều hành, phân phối quỹ cần được cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và cần có hình thức tôn vinh phù hợp. Có như vậy cộng đồng mới sẵn sàng chung tay vì mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
“Quỹ bảo tồn di sản văn hóa được luật hóa sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý… giúp giải quyết rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay. Từ đó, các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa sẽ kịp thời và dễ dàng hơn. Đặc biệt trong bối cảnh có nhiều di tích đang xuống cấp và một số di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn