Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW).
Tín hiệu tích cực
Đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cho thấy, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của huyện Phù Ninh cơ bản đã tạo được sự chuyển biến cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, ngày càng đáp ứng hơn nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu đổi mới của xã hội hiện nay.
Cơ sở vật chất trường, lớp học được kiên cố hóa, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn huyện Phù Ninh có 61 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; trong đó: Mầm non 22 trường; Tiểu học 20 trường; THCS 19 trường. Tính đến hết tháng 5/2023, toàn huyện có 60/61 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 58/58 trường trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Phù Ninh trao Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” cho ông Bùi Tuấn Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh. |
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Nhà giáo Bùi Tuấn Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho hay, trong 10 năm qua, Ngành giáo dục huyện Phù Ninh đã đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Từ đó, huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp và đủ điều kiện hoàn thành chương trình GDMN. Học sinh vào lớp 1 hàng năm đạt 100%. Học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học và vào lớp 6 hàng năm đạt 100%. Học sinh tốt nghiệp THCS trên 99%; tốt nghiệp THPT trên 95%.
Huyện Phù Ninh trao thưởng cho HS đạt thành tích cao năm học 2022-2023. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhà giáo Bùi Tuấn Long cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn huyện Phù Ninh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm thiết bị dạy học đáp ứng các điều kiện để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, thực hiện Chương trình GDPT 2018 là rất lớn trong khi điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn.
Chỉ tiêu biên chế giáo viên, nhân viên không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ giáo viên/lớp và quy định vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục; biên chế giáo viên không đủ theo định mức dẫn đến khó khăn trong thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018.
Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực
Nhà giáo Bùi Thị Kim Hiền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Lỗ, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) chia sẻ, trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường luôn chủ động thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS, giáo viên là người hướng dẫn, giúp đỡ từng học sinh, chuyển từ dạy cả lớp sang dạy từng HS.
Nhà trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS. Giáo dục HS biết kính trọng cha mẹ, thầy cô, đoàn kết với bạn bè. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc Việt Nam và truyền thống văn hóa của Phú Thọ thông qua các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Đảm bảo 100% các lớp học có cây xanh và hoa. Thư viện trung tâm, thư viện ngoài trời và thư viện góc lớp có đủ sách, báo. Cơ sở vật chất đáp ứng tốt cho hoạt động dạy và học của GV và HS. Duy trì tốt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2
Hoạt động sinh hoạt dưới cờ của Trường Tiểu học Phù Lỗ |
Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình dạy học và kế hoạch giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo dạy đúng, dạy đủ nội dung theo quy định về chuẩn kiến thức, kĩ năng. HS lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học là 250/250 HS, đạt 100%
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, năm học 2023 - 2024, trường Tiểu học Phù Lỗ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lí, ưu tiên bố trí đội ngũ trẻ, nhiệt huyết giảng dạy khối lớp 1, 2, 3, 4 theo Chương trình GDPT 2018.
Động viên giáo viên tích cực áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy. Tổ chức các chuyên đề cấp trường và liên trường theo kế hoạch hoạt động chuyên môn. Giáo viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng đạt loại khá, tốt theo chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học.
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục về kiến thức, kỹ năng; năng lực; phẩm chất. Rèn chữ viết cho học sinh, phụ đạo học sinh chưa hoàn thành, bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Có nhiều học sinh đạt giải tỉnh, Quốc gia. Thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Chủ động đổi mới phương pháp dạy học
Nhà giáo Trần Chí Thụ - Hiệu trưởng trường THCS Phù Lỗ, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong 10 năm qua, nhà đã chủ động thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, nhất là đối với Chương trình GDPT 2018.
Thực hiện giảng dạy theo đúng chương trình, nội dung theo hướng tinh giảm, đáp ứng mục tiêu giáo dục, chú trọng các nội dung lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua các môn học và các hoạt động giáo dục.
Tập thể CBGV NV trường THCS Phù Lỗ. |
Nhà trường luôn đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, tạo sự chuyển biến mới về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện tốt việc xây dựng các chủ đề dạy học, dạy học tích hợp. Thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học một cách hiệu quả và chất lượng. Tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn giỏi.
Cùng với đó là tăng cường củng cố đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, có đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học trường chuẩn Quốc gia, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục.
Luôn đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường nền nếp, kỷ cương ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực trong giáo dục, duy trì phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Duy trì trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng cấp độ 2. Tổ chức tốt các mặt hoạt động giáo dục khác, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo HS yếu kém, dạy thêm học thêm theo quy định.
Kế thừa và phát huy thành tích đã đạt được, năm học 2023 - 2024, trường THCS Phù Lỗ sẽ thực hiện tích cực việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” bằng những nội dung hình thức thiết thực, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của nhà trường và địa phương.
Xây dựng đội ngũ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống tốt; biết chia sẻ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Duy trì và dần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn, chất lượng học sinh thi đỗ tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Xây dựng trường học “An toàn - Bình đẳng - Thân thiện”, giữ vững danh hiệu trường là tập thể lao động xuất sắc…
Nhà giáo Bùi Tuấn Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh nhấn mạnh: Thời gian tới, Ngành GD&ĐT huyện Phù Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý…