'Phủ sóng' chứng chỉ nội

GD&TĐ - Chúng ta cũng thể nghĩ tới những giải pháp về chính sách để làm sao chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam ngày càng “phủ sóng” nhiều hơn...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2.

Từ khi Bộ GD&ĐT có Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT năm 2014 ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chứng chỉ ngoại ngữ “made in Việt Nam” ngày càng được biết đến rộng rãi hơn. Đặc biệt mới đây, khi một số trung tâm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, VSTEP càng được dư luận quan tâm, tìm hiểu.

Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Với 3 cấp (Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp) và 6 bậc (từ Bậc 1 đến Bậc 6, tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR), khung năng lực này làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực cho tất cả ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ở Việt Nam, tính đến tháng 8/2022 có 25 trường đại học, học viện được Bộ GD&ĐT công nhận tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (tiếng Anh). Nhiều ý kiến đánh giá việc tổ chức thi lấy chứng chỉ này nghiêm túc và độ khó không kém các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; đặc biệt từ bậc 4 trở lên là rất khó.

Với độ tin cậy, hiện nay chứng chỉ tiếng Anh VSTEP được nhiều trường đại học sử dụng trong tuyển sinh, đào tạo và xét công nhận tốt nghiệp cho sinh viên. Đơn cử, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đã sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển ĐH năm 2022. Tháng 11 vừa qua, ĐHQG Hồ Chí Minh có thông báo chính thức sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp tại các trường thành viên.

Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng sử dụng VSTEP trong xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên, bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Hiệu ứng của việc này là học sinh, sinh viên dần quan tâm nhiều hơn đến chứng chỉ ngoại ngữ “nội địa”. Trên thực tế, ngoài độ tin cậy, ưu điểm của chứng chỉ này là còn là chi phí rẻ, nguồn tài liệu và khóa ôn thi nhiều; cùng với đó, lịch thi linh động và có nhiều điểm thi, thời hạn sử dụng lâu hơn…

Tuy nhiên, vì chỉ có giá trị tại Việt Nam, chủ yếu ở các cơ sở công lập nên học sinh vẫn phải chọn chứng chỉ quốc tế để sử dụng vào mục đích du học. Bên cạnh đó, chứng chỉ VSTEP cũng mới chỉ sử dụng cho tuyển dụng ở các cơ quan công lập và học sau đại học; với người đi làm, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, IELTS…

Dù vậy, có thể thấy xu hướng có ngày càng nhiều học sinh quan tâm, có nhu cầu thi VSTEP trong thời gian tới. Do đó, việc bảo đảm chất lượng, độ tin cậy của kỳ thi, chứng chỉ là vô cùng quan trọng. Làm sao khi quy mô mở rộng, các cơ sở tổ chức thi vẫn bảo đảm sự đồng bộ về cơ sở vật chất; tiếp tục nâng cao chất lượng đề thi; tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm túc… Cùng với đó, chúng ta cũng có thể nghĩ tới những giải pháp về chính sách để làm sao chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam ngày càng “phủ sóng” nhiều hơn, thậm chí có thể vươn tầm quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.