'Phù phép' rau ở chợ đưa vào siêu thị bị xử phạt thế nào?

GD&TĐ - Khách hàng sẵn sàng mua “rau sạch” giá cao tại siêu thị nhưng không ngờ là rau ở chợ được "phù phép". Hành vi gian lận này sẽ xử phạt thế nào?

Người tiêu dùng lựa chọn rau tại siêu thị. Ảnh minh họa: Thùy Linh.
Người tiêu dùng lựa chọn rau tại siêu thị. Ảnh minh họa: Thùy Linh.

Gây nhiều hậu quả nghiêm trọng

Mới đây, báo chí đã đưa tin về Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bán rau sạch rởm "biến hình" vào Winmart, Tiki ngon...

Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).

Trước hành vi gian lận trên, luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, Đoàn Luật sư TPHCM phân tích: Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua rau "an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" bán tại các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.

Nhưng khách hàng không thể ngờ rằng có một số nhà cung cấp nông sản đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi như vụ Công ty Đông A, Công ty TNHH nông sản Trình Nhi được báo chí phản ánh trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2022.

Có nhiều trường hợp "phù phép" rau chợ đầu mối, nông sản nhập từ Trung Quốc thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP.

Luật sư Thường nhận định, hành vi này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại cho những người mua mà còn làm mất lòng tin của người dân về chất lượng sản phẩm bán ở một số siêu thị hay cửa hàng tiện lợi… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Có thể bị xử hình sự “tội lừa dối khách hàng”

"Đây được xem như hành vi giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, xuất xứ và chất lượng hàng hóa; Là dạng làm giả hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương hiệu khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa hoặc giả mạo về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn và bao bì sản phẩm" - Luật sư Thường đưa ra quan điểm.

Luật sư Lê Bá Thường.

Luật sư Lê Bá Thường.

Dựa trên góc nhìn pháp lý, Luật sư Thường cho biết, vụ việc đang chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng với các hành vi vi phạm nêu trên là sự lừa dối bán sản phẩm không đạt chất lượng như cam kết gây ra thiệt hại cho khách hàng nếu ở mức độ nhẹ, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Công ty Đông A và các bên liên quan có thể bị phạt hành chính với số tiền là từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng (Điều 13 Nghị Định số 98/2020/NĐ-CP).

Nếu trường hợp cơ quan chức năng hữu quan điều tra kết luận phát hiện có sai phạm đúng như báo chí phản ánh và gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì hành vi đối với những bên liên quan đến công ty Đông A, các cá nhân, tổ chức khác có liên quan thông đồng, cấu kết với công ty Đông A về việc cắt bao bì, gắn mác một bao bì khác, thể hiện sự chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi qua mặt các nhân viên, thu lời bất chính, hành vi này có thể bị xử hình sự “tội lừa dối khách hàng”.

Tuỳ theo mức độ thu lợi bất chính và hậu quả xảy thì hành vi gian dối khách hàng có thể đối diện với mức phạt tù đến 5 năm và mức phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm (Điều 198 BLHS 2015).

Đồng thời, theo Luật sư Thường đánh giá, hành vi thay đổi nhãn, mác của sản phẩm, hàng hoá chưa được kiểm định chất lượng thành sản phẩm, hàng hoá được đóng nhãn, mác đã kiểm định chất lượng VietGAP để bán giá cao, thu lợi bất chính của nhà sản xuất, phân phối và buôn bán hàng giả mạo thì hành vi này còn có thể cấu thành tội hình sự “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Vì tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Cá nhân, tổ chức phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Động cơ, mục đích của tội phạm chủ yếu là vụ lợi. Hành vi gian lận này đối với cá nhân phạm tội có thể bị xử phạt tù đến 5 năm.

Còn đối với pháp nhân thương mại thì tuỳ vào mức độ thu lợi bất chính và hậu quả xảy ra thì có thể bị phạt tiền lên đến đến 18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm (Điều 193 BLHS 2015).

Từ những phân tích trên, Luật sư Thường cũng đưa ra khuyến cáo: Người dân khi đi mua hàng phải luôn luôn có ý thức cảnh giác, phải tự bảo vệ mình thông qua việc thay đổi tư duy lựa chọn và sử dụng thực phẩm bằng kiến thức, kỹ năng chứ không nên lựa chọn bằng niềm tin, bằng mắt để tránh các mối nguy do thực phẩm kém chất lượng gây ra cho sức khỏe của bản thân và của gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ