Những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi báo chí phanh phui sự việc rau trôi nổi ngoài thị trường được gắn mác VietGAP để đưa vào và bày bán trong các siêu thị có tiếng vốn được nhiều người dân tin tưởng.
Chuyện “rau bẩn” đội lốt rau sạch chui vào siêu thị không phải chuyện giờ mới xảy ra. Báo chí, cơ quan chức năng đã phanh phui nhiều vụ tương tự từ khi “khái niệm” rau sạch ra đời. Liên quan đến vụ việc này, dư luận cho rằng bởi xử lý chưa mạnh tay, chưa đủ sức răn đe nên “rau bẩn” cứ nhởn nhơ nảy nở và “sinh tồn” ở những “mảnh đất” vốn không dành cho mình.
Hệ lụy của việc này là cả một nền nông nghiệp sạch bị tổn thương, người tiêu dùng mất niềm tin, người trồng rau sạch, rau an toàn khốn đốn…
Tổn thương rau sạch
Nói về vụ việc rau trôi nổi gắn mác VietGAP tràn vào siêu thị uy tín, ông Lê Văn Tú, Giám đốc Công ty Cổ phần rau an toàn Hà Nội, cho rằng đây là chuyện không thể chấp nhận và vụ việc đã ảnh hưởng lớn đến những đơn vị sản xuất rau sạch đã được kiểm định chất lượng.
Theo ông Tú, quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện rất nghiêm ngặt với nhiều công đoạn kiểm nghiệm từ phía cơ quan chức năng. Cụ thể, đơn vị có nhu cầu sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hà Nội sẽ phải đăng ký với Trung tâm Phân tích chất lượng của Sở NN&PTNT TP Hà Nội.
Khi tiếp nhận đăng ký, đơn vị này sẽ cử cán bộ xuống phân tích, lấy mẫu đất, mẫu nước… Sau khi các yếu tố trên đạt tiêu chuẩn, cán bộ sẽ cung cấp tài liệu hướng dẫn để đơn vị thực hiện sản xuất rau. Thành phẩm sẽ tiếp tục được Trung tâm Phân tích chất lượng của Sở NN&PTNT TP Hà Nội lấy mẫu, kiểm nghiệm. Nếu đạt các tiêu chuẩn đã đề ra, đơn vị sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP (thời hạn 3 năm).
Với những đơn vị mới được thành lập, định kỳ khoảng 3 tháng, cán bộ kiểm tra của Sở NN&PTNT TP Hà Nội sẽ đến để lấy các mẫu như nước, đất… để đưa đi kiểm nghiệm. Còn với những đơn vị có uy tín trong lĩnh vực, việc kiểm tra định kỳ này sẽ được thực hiện sau 6 tháng. Trường hợp các mẫu kiểm nghiệm không đạt chuẩn, giấy chứng nhận VietGAP sẽ được thu hồi lại.
“Tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng và ban hành bởi Bộ NN&PTNT, áp dụng cho các sản phẩm thuộc nhóm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. 4 yêu cầu trong VietGAP đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nói chung và đối với rau sạch nói riêng bao gồm: Các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khi sản phẩm rau sạch VietGAP đạt được chứng nhận thì sẽ được dán tem VietGAP lên sản phẩm, bao bì của sản phẩm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn thực phẩm tiêu thụ trong các bữa ăn”, ông Tú thông tin.
Cũng theo ông Lê Văn Tú, để có mặt tại các siêu thị trước khi đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ phải tiếp tục trải qua nhiều công đoạn kiểm soát rất khắt khe và với những siêu thị lớn, uy tín, việc kiểm soát thành phẩm trước khi lên kệ còn nghiêm ngặt hơn nhiều.
Giám đốc Công ty Cổ phần rau an toàn Hà Nội ví dụ, sau công đoạn giới thiệu sản phẩm đến các siêu thị, đơn vị cung cấp sản phẩm rau sạch sẽ phải đưa ra những giấy tờ, chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực. Kế đến, siêu thị sẽ bố trí đội ngũ xuống khảo sát khu vực trồng rau để thẩm định lại tiêu chuẩn trồng rau của đơn vị cung cấp.
Nói về vụ việc “rau bẩn” gắn mác VietGAP trà trộn vào siêu thị vừa qua, ông Tú cho rằng, cơ quan pháp luật phải xử lý thật nghiêm bởi có vậy mới lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường rau an toàn, người nông dân nghiêm túc với chuẩn VietGAP mới có hi vọng tồn tại.
Hiểu thế nào cho đúng về rau sạch?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết, hiện nay, người tiêu dùng chưa hiểu rõ về khái niệm thế nào là rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ…
Theo Tiến sĩ Nghĩa, tiêu chuẩn về rau an toàn ở Việt Nam quy định rõ, rau an toàn là loại rau không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm (dưới ngưỡng cho phép của WHO), không còn tồn dư hàm lượng Nitrat (dưới ngưỡng cho phép của WHO), không tồn tại vi sinh vật gây hại (Collifor, E.Coli…), không tồn lưu những kim loại nặng trong rau.
“Với quan điểm rau sạch, thường được đánh giá bằng cảm quan bên ngoài, cụ thể là không lẫn đất cát là chưa chính xác mà cần phải sạch bên trong nữa”, Tiến sĩ Nghĩa chia sẻ.
Tiến sĩ Nghĩa trao đổi thêm, cần phân biệt rõ canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sản xuất nông sản hữu cơ. Rau canh tác theo hướng hữu cơ là rau khi trồng trọt được giảm thiểu tối đa những loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Còn sản xuất những loại rau hữu cơ thì phải tuân thủ những quy định của tổ chức quốc tế có thẩm quyền cấp chứng chỉ cho sản phẩm rau hữu cơ sau khi đã trực tiếp giám sát và theo dõi đến vụ và đóng gói.
Chứng chỉ được cấp cho nông sản hữu cơ chỉ có thời hạn nhất định, hết thời hạn phải làm lại. Ngoài ra, các yêu cầu về đất trồng và nguồn nước của rau cũng được đảm bảo nghiêm ngặt như: Không nhiễm kim loại nặng, không chịu ảnh hưởng của nước thải công nghiệp.
Không trồng rau ở những vùng ô nhiễm không khí hay các vùng lân cận các khu nhà máy, xí nghiệp, khu chăn nuôi vì khi trồng rau sẽ dễ hấp thụ các khí ô nhiễm và hút các chất kim loại nặng, hay dễ nhiễm giun, sán và các bệnh truyền nhiễm.