Phụ nữ Việt Nam - người tỏa nắng vàng lịch sử

Phụ nữ Việt Nam - người tỏa nắng vàng lịch sử

(GD&TĐ) - Năm nay chúng ta kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), sự phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ về quyền bình đẳng giới và ghi trong Cương lĩnh đầu tiên của mình: “Nam nữ bình quyền”. Đảng cũng sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng góp phần to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng. Chính bởi vậy Đảng đã đề ra nhiệm vụ giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xúc tiến sớm việc thành lập tổ chức cách mạng riêng cho phụ nữ để thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Ngày 20/10/1930, Hội phụ nữ chính thức được thành lập. 

Kể từ khi được thành lập, với tổ chức tiền thân có tên gọi khác nhau tùy theo từng giai đoạn cách mạng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã kế thừa được truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử, luôn giữ những vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ - một bộ phận quan trọng trong phong trào cách mạng nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ xa xưa trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ bản lĩnh phi thường, chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng cùng nam giới đứng lên giành quyền sống cho mình và giành độc lập cho giang sơn Tổ quốc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán (năm 40-43) đã viết lên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chúng ta như còn nghe vang vọng non sông nước Việt câu nói đầy hào khí của Bà Triệu, người nữ anh hùng dân tộc đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Ngô (năm 248): “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Phụ nữ Việt Nam - người tỏa nắng vàng lịch sử ảnh 1
 

Ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, phụ nữ đã tham gia vào các phong trào chống Pháp như Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp như khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, của Hoàng Hoa Thám.v.v... Nhiều phụ nữ đã tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Nguyễn Thị Minh Khai... Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Năm 1930 ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 phụ nữ tham gia phụ nữ giải phóng trong phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh...

Phụ nữ Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tên tuổi của những nữ anh hùng đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc mãi mãi khắc ghi trong con tim của mỗi người Việt Nam chúng ta; đó là các nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Út Tịch, Lê Thị Hồng Gấm, Mẹ Suốt, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... Mỗi người chúng ta chắc đều xúc động khi đọc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Cuộc sống chiến đấu, lòng quả cảm và tình người tỏa ra từ cuộc đời của người nữ bác sĩ phụ trách một trạm quân y tiền phương trong chiến tranh ấy, dù cách đây đã bốn chục năm, vẫn truyền lửa, để chúng ta có thêm sức mạnh đấu tranh với những cám dỗ tầm thường hôm nay, từ đó có thể sống trong sạch và biết phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp vì Đảng, vì dân, vì nước. Cùng với những nữ anh hùng ấy, còn biết bao những nữ anh hùng vô danh, những người mẹ, người chị, người vợ, những đội quân tóc dài, những đội nữ thanh niên xung phong, những nữ dân quân vừa chắc tay cày vừa chắc tay súng ở hậu phương... đã cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau nhuộm trắng mái đầu những người mẹ, người vợ... Nhưng chính những con người đó lại vững vàng trên đồng ruộng, trong xưởng máy, miệt mài trên trang giáo án... để xóa đi những dấu vết chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới. Có thể khẳng định phụ nữ Việt Nam, bằng vẻ đẹp và cái đẹp của chính tâm hồn mình, đã góp phần đặc biệt dệt gấm, thêu hoa, làm nên vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ ngàn đời cho dân tộc Việt Nam, đúng như nhà thơ Huy Cận đã viết:

“Chị em ta tỏa nắng vàng lịch sử

Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ”

Ngày nay quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội được đảm bảo bằng hiến pháp và pháp luật. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam ngày càng có vị thế và vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập của đất nước. Phụ nữ chiếm tỷ lệ đông đảo trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, văn hóa, giáo dục và chiếm tỷ lệ đáng kể trong các ngành khác. Riêng ở lĩnh vực giáo dục – đào tạo, trong tổng số nhà giáo, có khoảng 74% là nữ. Tỷ lệ nữ biết đọc, biết viết chiếm 91,4%, nữ sinh viên đại học chiếm 50%, nữ thạc sĩ chiếm 40%, nữ tiến sĩ chiếm 10%. Nhiều nhà khoa học nữ được tặng các giải thưởng, được phong giáo sư, phó giáo sư. Nhiều phụ nữ xuất sắc đã được giao những trọng trách lớn trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Năm 2006 Luật Bình đẳng giới đã được thông qua. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm cơ hội, năng lực tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Với sự quan tâm to lớn của Đảng – Nhà nước và toàn xã hội, với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên để khẳng định mình và đóng góp vào sự nghiệp chung, nhất định phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng vững bước trên con đường phát triển, tiến bộ, tiếp tục “tỏa nắng cho đời và tỏa nắng cho thơ”. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Báo Giáo dục và Thời đại xin gửi tới toàn thể phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các nữ quản lý giáo dục, các cô giáo và nữ sinh cùng toàn thể bạn đọc nữ của Báo những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Giáo dục & Thời đại

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.