Phụ nữ nghiên cứu khoa học: Vinh quang và nghị lực

GD&TĐ - Những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) không ngừng tăng. Ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực NCKH, phát triển công nghệ. So với nam giới, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn khi dấn thân vào con đường NCKH, bởi họ vừa phải làm tròn vai trò của người “xây tổ ấm”, vừa phải thực hiện nhiệm vụ NCKH của mình. 

Làm NCKH, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Ảnh: Sỹ Điền
Làm NCKH, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới. Ảnh: Sỹ Điền

Vừa xây tổ ấm, vừa NCKH

Khẳng định không có ranh giới giữa nam và nữ trong hoạt động NCKH, đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Thị Lan - đoàn TP Hà Nội cho rằng, quan trọng là niềm đam mê và dành thời gian tâm huyết cho nghiên cứu. Theo đại biểu, thực tế các nhà khoa học nữ đóng vai trò rất lớn trong GD-ĐT và NCKH.

Ngay tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam - nơi đại biểu đang công tác, đã có rất nhiều cán bộ nữ tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước. Các nhà khoa học nữ của Học viện đã chuyển giao được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tới các cơ sở sản xuất. Đơn cử như trong năm 21018, các giảng viên nữ của Học viện đã làm chủ nhiệm 109/283 đề tài NCKH, xuất bản 375/482 bài báo; trong đó có 74/137 bài báo quốc tế và đã được công nhận 3/10 tiến bộ khoa học giống mới với quy trình giải pháp hữu ích.

Là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng. Theo PGS.TS, trong hoạt động NCKH, phụ nữ có vai trò rất lớn và có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Hiện nay, ở trường đại học, không chỉ giảng dạy tốt, các nữ giảng viên còn đóng góp đắc lực cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, phục vụ cho đời sống sản xuất.

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Thị Trâm, bước chân vào NCKH phụ nữ gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn nam giới. Bởi lúc này họ phải làm tròn 2 vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Vì thế nếu không quyết tâm và đam mê thì rất khó thành công.

“Bản thân tôi với hơn 50 năm làm nghiên cứu về cây lúa, nếu không có tình yêu khoa học, sự nhiệt huyết và niềm đam mê thì khó có thể duy trì đến ngày nay. Tôi luôn quan niệm, mình phải có nghĩa vụ và quyền lợi đối với gia đình của mình. Trách nhiệm của mình là phải xây dựng tổ ấm.

Khi mình đã chu toàn với gia đình thì mình sẽ có được quyền lợi, đó là: Chồng con thông cảm, yêu thương tạo điều kiện để mình cống hiến cho khoa học. Nói rộng ra là với cơ quan, đơn vị mình công tác cũng vậy khi mình hết lòng, hết sức cho công việc thì sẽ nhận được tình yêu của đồng nghiệp. Tôi tạo sự cân bằng cuộc sống cho mình bằng quan niệm: Trách nhiệm và quyền lợi. Song đừng quên, phụ nữ bao giờ cũng phải nghĩ đến tổ ấm của mình” – PGS Nguyễn Thị Trâm trao đổi.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Anh, biện pháp khắc phục khó khăn duy nhất là vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh. Song điều quan trọng nhất là phải đam mê, kiên nhẫn và được gia đình cảm thông, ủng hộ.

Với hơn 15 năm làm NCKH, PGS.TS Lê Ngọc Anh – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là phụ nữ gia đình, trong một số hoàn cảnh sẽ phải điều chỉnh công việc NCKH sao cho phù hợp. Nhớ lại khi tôi sang Nhật Bản làm nghiên cứu. Vừa sang được 1 tháng thì con trai hơn 3 tuổi bị chân tay miệng, chồng bị đau ruột thừa phải nằm viện. Nói như vậy, để thấy rằng phụ nữ làm NCKH vẫn có khó khăn nhất định và nếu không quyết tâm vượt qua thì rất khó có thể bước chân vào con đường này”.

Truyền lửa cho sinh viên

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bên vườn thực nghiệm lúa lai. (Ảnh nhân vật cung cấp)
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bên vườn thực nghiệm lúa lai. 
(Ảnh nhân vật cung cấp) 

Trao đổi với các bạn sinh viên, nhất là các nữ sinh về NCKH; PGS.TS Lê Ngọc Anh chia sẻ, nếu muốn dấn thân vào con đường này thì phải biết chấp nhận khó khăn, vất vả. Khi gặp khó khăn thì phải tìm cách vượt qua. “Khoa học không dành cho những kẻ lười biếng. Vì thế ngay từ bây giờ các em cần chăm chỉ học hành, đọc nhiều tài liệu, sách báo có liên quan đến khoa học. Ngoài ra, các em cần chủ động đăng ký tham gia vào các nhóm sinh viên nghiên cứu và tranh thủ hướng dẫn của các thầy, cô giáo. Song điều quan trọng là các em phải xác định được mình thích nghiên cứu cái gì. Từ đó mới phát triển các bước tiếp theo” - PGS.TS Lê Ngọc Anh khuyến cáo.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, việc đầu tiên các bạn sinh viên cần làm là rèn các kỹ năng về khoa học công nghệ, phần mềm, ngoại ngữ. Đây là những kỹ năng quan trọng để các bạn sinh viên có thể làm chủ các hoạt động NCKH của mình. Theo PGS, với những bạn mới “chập chững” bước vào làm NCKH, việc đầu tiên là phải có ý tưởng nghiên cứu, sau đó ghi chép đầy đủ. Cụ thể, các em hãy bắt đầu từ những đề tài nhỏ để học cách giải quyết vấn đề và phương pháp nghiên cứu.

Đặc biệt, các em cần chịu khó tập hợp tài liệu và viết ra sổ ghi chép mỗi khi xuất hiện ý tưởng mới. Việc ghi chép cần được thực hiện đến nơi, đến chốn và ghi chép lại tất cả những gì xuất hiện trong đầu, cho dù đó là việc nhỏ. Cứ như thế kiên trì theo đuổi mục đích thì thế nào cũng dẫn đến thành công. Trong quá trình làm việc, các em cũng có thể hỏi thầy, cô giáo những người đã có kinh nghiệm làm NCKH để nhận được sự trợ giúp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.