Phụ nữ không độc lập về tài chính, đừng đòi hỏi công bằng với chồng!

GD&TĐ - Đừng đổ lỗi cho thiên chức hay sự khác biệt về giới tính nếu như bạn muốn có sự công bằng. Nếu muốn công bằng, bạn đừng ăn bám anh ta!

Phụ nữ không độc lập về tài chính, đừng đòi hỏi công bằng với chồng!

Đã có rất nhiều câu chuyện bi kịch (cả hài kịch cũng không ít) về đời sống hôn nhân và chuyện tiền bạc khi chung sống. Mặc dù, chuyện vợ chồng khúc mắc nhau có nhiều vấn đề, nhưng điểm mấu chốt thì có thể nằm ở 2 nguyên nhân sau:

Sự nhàm chán

Sự nhàm chán là một nguyên nhân khiến đời sống vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn. Kết hôn, giống như một trạng thái hiện thị “đã xem”, tất cả mọi bí ẩn, háo hức về nhau mất hẳn, sự trần trụi về nhau, những thực tế hàng ngày khiến cho tình yêu đã chuyển từ dạng này sang dạng khác. Dù sao thì, sự nhàm chán khi nhìn thấy nhau ở một thời điểm nào đó trong hôn nhân là có. Và đó là nguyên nhân khiến hôn nhân có nguy cơ bị “xâm hại”.

Phụ thuộc về kinh tế

Thường thì vợ sẽ là người bị phụ thuộc về kinh tế nhiều hơn người chồng. Điều này có thể giải thích đơn giản, do phụ nữ và cả đàn ông luôn mặc định chuyện “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, việc của đàn ông là kiếm tiền lo cho gia đình, việc của đàn bà là nội trợ và chăm sóc con cái. Nghe qua tưởng chừng vở kịch hôn nhân đã được phân vai rất thành công nhưng trên thực tế, đây chính là nguyên nhân then chốt dẫn đến việc bất bình đẳng trong cách cư xử của vợ chồng trong hôn nhân.

Một người đi làm kiếm tiền, một người ở nhà nội trợ, cả hai con người đều không có kết nối chung ngoài việc “hôm nay tiêu gì, ăn gì, mua gì, đóng chi phí gì, cần khoản gì…” tất cả những gánh nặng về kinh tế dồn lên vai 1 người, dù cho người còn lại cũng mang một gánh nặng không kém.

Nhưng, nếu một trong hai bên không chịu hiểu (mà thường thì điều này luôn luôn xảy ra ở các gia đình chỉ có một người làm chủ kinh tế) mâu thuẫn bắt đầu xảy ra. Nếu việc nhà khiến vợ mệt mỏi, vợ bắt đầu thấy chồng về nhà, thả người ườn lên sô pha đọc báo, xem ti vi hoặc mang vợt cầu lông đi giao lưu với hàng xóm, trong khi nhà cửa vẫn đang lanh tanh bành, không ai trông đứa thứ hai trong khi đứa lớn thì ham nghịch hơn ham trông em, mẹ thì bận cơm nước và ti tỉ thứ không tên trong nhà.

Thế là vợ bắt đầu đòi quyền lợi, đòi chồng chia sẻ việc nhà, đòi quyền bình đẳng với chồng. Nhưng với đàn ông Việt, điều đó thật vớ vẩn. Thật là một người vợ không biết điều, anh ta là chủ gia đình, anh ta đã phải rất vất vả để kiếm cơm nuôi gia đình, vậy mà mấy cái việc “cỏn con” này cô vợ cũng không làm nổi!

Bạn đừng đòi hỏi chồng bạn suy nghĩ khác đi, vì thực tế là anh ta có quyền nghĩ như thế và chắc chắn là anh ta sẽ nghĩ như thế! Bạn đòi bình đẳng ư? Bạn kêu gào rằng bạn tất bật và vất vả không kém việc chồng bạn đang lăn lộn ngoài đường kiếm tiền ư? Bạn đầu bù tóc rối xác xơ cũng chỉ vì việc nhà quá bộn bề ư?

Bạn có quyền than thở, và chồng bạn cũng vậy. Vấn đề then chốt ở đây là gì? Chồng bạn sẽ cho rằng bạn là người không làm ra kinh tế, bạn là người sống phụ thuộc, bạn là vợ…thì việc bạn phải làm những việc đó là đương nhiên, kêu ca phàn nàn gì nữa? Anh ta cũng rất vất vả mới có thể lo được cho cả gia đình, về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, vậy mà bạn cứ quang quác lên như gà mái? Điều gì sẽ xảy ra đây? Mâu thuẫn, tranh cãi, không chịu thấu hiểu và rạn vỡ hôn nhân là chuyện hiển nhiên.

Từ chuyện đó, các nguyên nhân khác ào lên bao trùm lấy hôn nhân của bạn, và việc tan vỡ hôn nhân không phải là chuyện gì quá xa xôi nếu như bạn không tìm ra lối thoát cho mình. Lối thoát ở đây là gì? Chẳng gì khác ngoài việc bạn cũng phải chủ động về kinh tế, bạn tìm một công việc phù hợp với năng lực, chung tay xây dựng kinh tế, mặc cho chồng bạn có nói mức lương của bạn chỉ đủ để trả cho người giúp việc thì bạn cũng vẫn cần có sự nghiệp của riêng mình, những đồng tiền mình tự kiếm được mà không cần phải dựa dẫm vào ai.

Khi bạn có tiền, bạn sẽ có tiếng nói công bằng, bình đẳng với chồng bạn. Anh ta sẽ phải suy nghĩ trước vấn đề mà bạn đưa ra thay vì phủ quyết sạch trơn nó. Sự tôn trọng trong hôn nhân luôn cần có, tôn trọng trên mọi phương diện. Nếu bạn muốn có sự công bằng, trước hết hãy công bằng với chính bạn, tự chủ cuộc sống, thiết lập lại trật tự gia đình bằng cách cùng nhau san sẻ việc nhà, việc chung tay lo kinh tế. Từ chuyện đó, bạn sẽ học được cách làm chủ cuộc đời bạn, không lệ thuộc vào cảm xúc hay sự định đoạt của người khác, đối diện với mọi chuyện một cách công bằng và cân bằng đúng như bạn mong muốn.

Phụ nữ đi làm, về nhà nhiều khi vẫn phải tay dao tay thớt, đừng đổ lỗi cho chồng, bạn hoàn toàn có thể chủ động thuê một người giúp việc hoặc thẳng thắn chia sẻ với chồng và yêu cầu cả hai người cùng làm việc. Nếu chồng bạn là người hiểu chuyện, chắc chắn anh ta sẽ vui vẻ với điều đó. Còn nếu anh ta không hiểu chuyện, bạn đừng cố thay đổi, hãy sống theo cách của bạn, công bằng với chính mình và công bằng với người khác. Nhưng điều đó chỉ thực sự xảy ra khi bạn độc lập về tài chính.

Theo phunugiadinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.