Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam” tại Hà Nội ngày 18/3.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ung thư cổ tử cung đang là vấn đề “nóng”, là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có 9 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và ước tính, cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung, trong đó 11 trường hợp tử vong.
Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ ung thư cổ tử cung Australia đã thực hiện dự án sàng lọc ung thư cổ tử cung từ năm 2012 đến nay, tại 5 tỉnh: Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Hậu Giang. Mục tiêu là nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người dân, nhất là người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn,
Nhóm đối tượng được khám phụ khoa và xét nghiệm tế bào cổ tử cung trong dự án từ 30-50 tuổi là chủ yếu. Phần lớn phụ nữ tham gia dự án được khám sàng lọc đều bị viêm đường sinh dục.
Theo báo cáo, xét nghiệm cho 750 phụ nữ ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có đến 75% phụ nữ bị viêm nhiễm; tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình: trong số hơn 2.200 phụ nữ có trên 63% phụ nữ viêm cổ tử cung âm đạo, 50% phụ nữ viêm do vi sinh…
Tại Thái Bình và Cần Thơ có đến 70,5% phụ nữ tham gia dự án bị viêm nhiễm phụ khoa, chủ yếu là viêm âm đạo và viêm cổ tử cung bất thường.
Các chuyên gia khẳng định, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được sàng lọc và phát hiện ở giai đoạn sớm, vì thế, quá trình khám sàng lọc ung thư cổ tử cung là rất quan trọng.
Một điểm đáng chú ý được BS Phạm Kỳ Sơn – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chia sẻ: Nhóm phụ nữ có trình độ đại học có tỷ lệ phụ nữ có tế bào ung thư, tiền ung thư cao nhất (11,9%), cao hơn hẳn nhóm phụ nữ ít học và mù chữ.
Đây là kết quả dựa trên con số thống kê điều tra của hơn 2.200 phụ nữ tham gia dự án tại thành phố Hòa Bình, chưa thể lý giải được.