Phụ nữ có sẵn sàng trả giá để được sống cho bản thân?

GD&TĐ - Mới đây, tác phẩm ""Người lạ trong nhà"" của tác giả Leila Slimani(người Pháp) đã được ra mắt độc giả Việt Nam. Cuốn sách là một trái bom chứa câu hỏi cốt tử, chúng ta cần trả giá bao nhiêu thì hợp lý cho cái gọi là ""Cuộc sống hiện đại"" ?

Tác giả Leila Slimani
Tác giả Leila Slimani

Nhu cầu được sống cho bản thân luôn là nỗi trăn trở của những người phụ nữ đã lập gia đình. Bởi ngoài công việc và các mối quan hệ xã hội là những lo toan vun vén cho gia đình chồng con, những điều khiến bất cứ người vợ, người mẹ nào cũng từng một lần cần đến bàn tay “người lạ”, một người chẳng hề quen thân nhưng lại phải tin tưởng.

Hiểu được điều đó, Leila Slimani với nỗi đồng cảm chân thành và ngòi bút tinh tế đậm chất phụ nữ, đã cho ra mắt tác phẩm ""Người lạ trong nhà"", cuốn sách phản ánh hết sức sâu sắc và tinh tế cuộc sống hiện đại của những cặp vợ chồng trẻ thị dân, không chỉ ở Pháp mà còn rất gần gũi với bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Câu chuyện bắt đầu bằng một cảnh tượng không thể kinh hoàng hơn: một bé trai hai tuổi đã chết, một bé gái bốn tuổi đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ – kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này – cũng vừa tự kết liễu đời mình.

Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó, quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng hơn, ám ảnh hơn, một bi kịch của cuộc sống hiện đại có thể liên quan đến bất kỳ ai trong chúng ta.

Lấy cảm hứng từ một vụ sát hại trẻ em có thật tại một khu phố nổi tiếng giàu có của New York năm 2012, Leïla Slimani, bằng văn phong sắc gọn, chính xác và những quan sát chi tiết, tinh tế, đã bắt được ra căn bệnh của xã hội hiện đại: làm sao để có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa nuôi dạy con cái?

Làm sao để dung hòa lòng tốt với cảm giác thống trị vốn luôn tồn tại trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động mà cụ thể ở đây là một cặp vợ chồng trẻ thị dân và người giúp việc cho họ?

Làm sao để sống trong xã hội lúc nào cũng vội vã này mà không phụ thuộc quá nhiều vào những người lạ, những người ta chưa kịp hiểu hết, những người ta buộc phải chấp nhận sự hiện diện của họ ngay giữa gia đình mình chỉ để đổi lấy thêm một chút tự do, một chút thời gian cho bản thân?

Lối kể chuyện thông minh và am hiểu xã hội đã giúp ""Người lạ trong nhà"" trở thành một trong những câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn bạo và xót xa này, từ ""Những cô hầu gái"" của Jean Genet (1947) đến ""Nghi lễ"" của Claude Chabrol (1995), và xứng đáng giành giải Goncourt 2016 – một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất nước Pháp.

Leïla Slimani bóc tách rất khéo léo từng lớp cảm xúc mập mờ, thứ cocktail hòa trộn giữa hận thù, tình yêu và đố kỵ đã kết nối nhân vật vú em với ông bà chủ của chị ta.

Xuất phát từ một tin rao vặt có thật, Slimani đã viết nên « Người lạ trong nhà » và thông qua đó khám được ra căn bệnh của xã hội đương đại với rất nhiều mâu thuẫn bên trong. « Người lạ trong nhà » còn là một sự chiêm nghiệm về sự tàn bạo của áp lực đè nặng lên những người mẹ mong muốn được phát triển ở nơi khác ngoài tổ ấm của mình.

Leïla Slimani là nhà báo, nhà văn người Pháp gốc Maroc sinh ngày 3 tháng Mười năm 1981, với bố là người Maroc và mẹ là người Pháp gốc Algeria. Năm 1999, vừa tốt nghiệp cấp ba, chị đến Paris theo học lớp dự bị văn chương tại trường Fénelon và sau đó thì tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris.

Chị từng thử theo nghiệp diễn xuất nhưng rồi lại quyết định theo học đến cùng tại Trường Thương mại Paris, chuyên ngành Truyền thông. Năm 2008, chị làm việc cho tạp chí Jeune Afrique, chuyên khai thác các chủ đề liên quan đến Bắc Phi. Năm 2012, chị thôi việc ở tạp chí này để toàn tâm toàn ý cho hoạt động viết lách.

Năm 2014, Leïla Slimani xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Dans le jardin de l’ogre (tạm dịch: Trong khu vườn của yêu tinh). Cuốn tiểu thuyết với chủ đề về thói nghiện tình dục ở phụ nữ và phong cách viết khá đặc biệt này đã khiến giới phê bình chú ý và lọt vào danh sách chung khảo của giải Flore.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của chị, Chanson douce (nhan đề tiếng Việt: Người lạ trong nhà) đã giành giải Goncourt 2016, khiến chị trở thành người phụ nữ thứ mười hai trong số một trăm mười ba người từng giành giải thưởng danh giá này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.