Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn gặp phải, có người đã tới Na Uy và dạy võ judo qua video cho những phụ nữ Afghanistan.
Lớp học bí mật
Tại một trung tâm huấn luyện võ thuật rộng lớn dưới lòng đất ở khu phố Haugerud tại thủ đô Oslo (Na Uy), cô gái 22 tuổi Qudsia Khalili đến từ Afghanistan bước lên thảm judo và đối mặt với bạn tập của mình là một phụ nữ Na Uy. Trước đòn của người phụ nữ này, Khalili mất thăng bằng và tiếp đất với một tiếng thịch cực mạnh.
Các thành viên của đội tuyển judo quốc gia Na Uy đang tập luyện trong phòng có vẻ lo lắng, nhưng Khalili đứng dậy, phủi tay và tiếp tục. Trong khi Khalili thi đấu, ở góc phòng, một chiếc điện thoại đang phát trực tiếp phiên đấu của Khalili qua WhatsApp.
Anh Farhad Hazrati từng là huấn luyện viên đội judo nữ Afghanistan trước khi chế độ Taliban giải tán đội này vào 2021. Anh cầm điện thoại và cười với 3 phụ nữ đang chăm chú theo dõi buổi tập qua màn hình.
Họ là một phần của khóa huấn luyện được tổ chức bí mật ở Afghanistan. Tại đây, những phụ nữ trốn trong các khu nhà có tường bao quanh và học hỏi từ huấn luyện viên ở một thế giới khác.
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021, chính quyền Taliban đã ngăn cản bé gái và phụ nữ ở Afghanistan học trung học hoặc đại học, cấm họ đến công viên, phòng tập thể dục và nhà tắm công cộng, đồng thời cấm các môn thể thao dành cho nữ vận động viên.
Mặc dù hầu hết thành viên của đội judo nữ quốc gia Afghanistan trước đây đã nghỉ việc sau đó, nhưng bất chấp luật pháp hà khắc, một số người vẫn tập trung tại các địa điểm riêng để tập luyện với Hazrati từ xa. Họ phải đảm bảo tránh xa cửa sổ và đi theo nhóm không quá 6 người để tránh gây nghi ngờ.
Một phụ nữ đã tập luyện 15 năm cho biết, cô vẫn mơ một ngày trở thành nhà vô địch thế giới. Những cô gái tập luyện ở đây có động cơ khác nhau, để cải thiện sức khỏe tinh thần hoặc để kết bạn.
Cô nói rằng, Taliban ngày càng hạn chế phụ nữ, khiến họ rất khó đạt được mục tiêu. Cô nghĩ, phụ nữ Afghanistan đều cảm thấy rất khó khăn. Nhiều người đã khóc khi lần đầu tiên bị cấm đến trường. Đó là một ngày khó khăn đối với họ và thật khó để sống mà không có tương lai.
Bất chấp những nguy hiểm, việc tập luyện judo giúp cô giữ được ý thức độc lập và kiểm soát tương lai của mình. Mỗi khi có một khóa đào tạo, cô lại cảm thấy có một số hy vọng.
Farhad Hazrati và Qudsia Khalili (trái), bên ngoài căn hộ của cô ở Na Uy. Ảnh: Nils Adler/Al Jazeera |
Thoát khỏi Kabul
Khalili là một trong những vận động viên judo triển vọng nhất của Afghanistan, cô mới đến Na Uy hơn nửa năm trước, sau khi Taliban tiếp quản Kabul. Là gương mặt đại diện cho đội judo nữ, Khalili bị Taliban để ý. Họ cử 6 người có vũ trang đến nhà cô chỉ vài ngày sau khi nắm quyền kiểm soát.
May mắn thay, cha cô thuyết phục được họ rằng cô không có nhà. Sau khi họ rời đi, Khalili ngay lập tức thu dọn đồ đạc, dùng khăn che mặt và trốn trong đêm tối.
Sau bao khó khăn, cuối cùng, Khalili đã đến được nước láng giềng Uzbekistan thông qua một ngôi nhà an toàn do Liên đoàn Judo Na Uy tổ chức. Tại đây, cô được điều trị nhiễm trùng mà cô nghi ngờ đã mắc do đứng trong nước bẩn trước đó khi trốn Taliban.
Tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan, cô gặp Hazrati - người cũng đã vượt qua biên giới với một mạng lưới hỗ trợ bí mật liên kết với cộng đồng judo quốc tế. Tại nơi nhộn nhịp này, Khalili và Hazrati dự định chuyển đến Na Uy để gặp lại những người hướng dẫn cũ đang sẵn sàng hỗ trợ họ.
Họ sẽ dành 7 tháng ở Tashkent và 8 tháng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ở mỗi thành phố, họ được chào đón vào cộng đồng judo lâu đời với vòng tay rộng mở. Cuối cùng, 2 người đam mê judo trên đã ở Na Uy từ tháng 12/2022.
Một cuộc sống mới
Khalili vừa chuyển đến một căn hộ mới không có đồ đạc do Chính phủ Na Uy cung cấp. Cô dành cả ngày để luyện tập tích cực nhằm phục hồi sức lực sau một thử thách dài và gian khổ. Trong khi đó, Hazrati, hiện đang sống ở một trung tâm tị nạn phía Bắc Oslo. Anh rất biết ơn cộng đồng judo đã giúp đỡ Khalili và bản thân anh.
Trong một bữa tiệc với đồ ăn Afghanistan do Khalili chuẩn bị tại căn hộ của cô, Hazrati lấy điện thoại ra và mở hình ảnh một nhóm chiến binh Taliban trong trang phục chiến đấu mang súng trường tự động và đang đứng trong một phòng tập thể dục ở Kabul để tìm kiếm anh. Bức ảnh do bạn anh chụp được.
Farhad Hazrati nói chuyện với học viên của mình ở Afghanistan qua cuộc gọi video. Ảnh: Nils Adler/Al Jazeera |
Judo không chỉ giúp anh và Khalili tìm thấy sức mạnh tinh thần và thể chất để phục hồi sau thử thách của họ, nó còn giúp họ tìm được bạn mới. “Tôi chưa nói được tiếng Na Uy, nhưng khi tham gia khóa đào tạo, tất cả chúng tôi đều hiểu ngôn ngữ của môn judo”, anh cho biết và nói rằng trong judo, bạn có thể thấy các bác sĩ, kỹ sư, chủ cửa hàng và thợ sửa xe đều giao tiếp trên cùng một cấp độ.
“Trong môn thể thao này, chúng tôi nói rằng khi bạn giặt bộ đồng phục judo của mình là bạn giặt chúng cho bạn đấu chứ không phải cho chính bạn. Đó là cách tôn trọng người khác”, anh chia sẻ.
Cảm giác này cho phép cả hai tự tin bước vào bất kỳ câu lạc bộ judo nào ở Tashkent, Istanbul và Oslo, cho dù lúc đó họ cảm thấy tuyệt vọng đến đâu. “Judo thực sự đã cứu chúng tôi”, Hazrati khẳng định.
Đối với huấn luyện viên người Afghanistan này, bài học có được là tiếp cận cuộc sống với cùng một triết lý mà anh đã được dạy trong judo: Nếu bạn không trở thành một nhà vô địch, điều đó không sao, quan trọng là bạn tốt hơn ngày hôm qua.