Phụ huynh Phạm Văn Út (xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long): Thi theo cụm sẽ bớt vất vả đi lại
Hơn ai hết phụ huynh chúng tôi là những người lo lắng nhất vì có con em đang học lớp 12 và chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng. Từ thời điểm hè năm học 2013 - 2014, chúng tôi đã nghe thông tin về Kỳ thi THPT quốc gia. Lúc đó chỉ mới là thông tin ban đầu, chưa có gì chính thức nên cũng có phần sốt ruột.
Đến đầu năm học này, ngay từ thời điểm họp phụ huynh, chúng tôi đã được nhà trường thông báo về định hướng của Kỳ thi quốc gia cũng như giải thích những thắc mắc. Từ đó phụ huynh chúng tôi cũng như các em HS đã yên tâm và chăm lo cho việc học hành. Thầy cô giáo cũng tập trung dạy học và nhắc nhở các em HS yên tâm học tập và có bước chuẩn bị.
Mới đây, khi Bộ GD&ĐT công bố thông tin Dự thảo Kỳ thi THPT quốc gia, ban đầu chúng tôi cũng hơi quan ngại, không biết có nhiều thay đổi hay không? Nhưng sau khi xem kỹ Dự thảo thì phụ huynh cũng như các em HS đã nhẹ nhõm. Điều chúng tôi thấy yên tâm nhất là kỳ thi tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí và rất thuận tiện cho thí sinh. Đặc biệt là quyền lợi của thí sinh được nâng cao hơn so với các kỳ thi trước đây.
Do địa phương chúng tôi thuộc vùng sâu, vùng xa, đi lại còn khó khăn nên trước đây khi con em đi thi rất vất vả. Đầu tiên là thi tốt nghiệp THPT, sau đó lặn lội đi Cần Thơ hoặc lên TPHCM để thi ĐH, CĐ. Như vậy qua 2 kỳ thi vừa tốn công sức vừa tốn kém cho thí sinh. Năm 2015 này với Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến theo cụm thì không còn cảnh này nên phụ huynh và các em HS thấy rất vui và yên tâm hơn...
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kỳ thi đầu tiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía Bộ GD&ĐT đến các địa phương, các trường và bản thân mỗi GV, HS, phụ huynh chúng tôi tin tưởng kỳ thi sẽ thành công. Rất mong ngành GD có bước chuẩn bị và có hướng dẫn kịp thời để các địa phương và các trường chủ động ôn tập và hướng dẫn các em HS…
Phụ huynh Nguyễn Thanh Cẩm (phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TPHCM): Thang điểm 20 sẽ phân hóa được HS
Tôi có con đang học lớp 12 ở Trường Ngô Thời Nhiệm tại TPHCM, vì thế khi nghe nói sẽ có Kỳ thi quốc gia mới thì cũng băn khoăn không hiểu nó là gì, tìm hiểu trên báo chí cũng chưa thấy nhiều, đến khi đọc các dự thảo quy chế này mới thấy yên tâm vì sự rõ ràng và cụ thể.
Điều tôi thấy rõ nhất ở kỳ thi này đó là tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho cả người tổ chức thi lẫn người đi thi. Đơn cử như, một phụ huynh ở tận Nghệ An đưa con vào đây thi ở Trường ĐH Kiến Trúc thì quả thật là vất vả, chưa kể đến có rất nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông, ở trọ...
Có thể thấy rằng với Dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ thay đổi cách thức thi, còn về khối thi vẫn giữ nguyên, lệ phí thi cũng giữ nguyên, và có thêm việc xét học bạ; tôi thấy đó là những điều hoàn toàn đúng và cần ủng hộ điều này. Cá nhân tôi cũng đặt niềm tin vào sự đổi mới trong thi cử của Bộ GD&ĐT sẽ thành công.
Ngoài ra, việc bắt buộc thi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Như vậy, đòi hỏi HS phải có kiến thức nền toàn diện hơn và điều này cũng đòi hỏi ngay từ đầu, các cháu đã có ý thức phải học đều các môn, không nên xem nhẹ môn nào hết.
Tại vì tâm lý, thường học khối A, B thì hay xem nhẹ Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý… Hơn nữa tôi cũng ủng hộ thang điểm 20, nhưng việc chấm thi cũng phải thật sự chặt chẽ, thì thang điểm 20 sẽ được phát huy tính hiệu quả rõ rệt nhất. Nó sẽ giúp phân hóa HS trung bình, khá, giỏi, xuất sắc.
Về việc đăng kí các môn tự chọn thì chắc chắn HS đăng kí môn tự chọn không như nhau, thì việc bố trí sắp xếp thi, coi thi như thế nào cho hợp lý cũng đòi hỏi Bộ, các Sở GD&ĐT phải chuẩn bị thật sự kĩ càng. Hơn nữa kỳ thi diễn ra trong 4 ngày, điều này các trường phải nhắc nhở thật kĩ cho các HS, vì tôi thấy có nhiều cháu rất hay quên lịch thi. Chỉ cần quên 1 môn là ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ kỳ thi.
Em Phạm Ngọc Thủy - HS Trường THPT Nguyễn Văn Hai (xã Bình Phú, huyện Càng Long, Trà Vinh): Mở rộng thang điểm không làm thay đổi cách làm bài của thí sinh
Với Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, em thấy có nhiều đổi mới theo hướng có lợi cho thí sinh và phần nào đã giảm áp lực thi cử. Điều mà HS chúng em quan tâm nhất là đề thi và cách chấm thi có thay đổi gì hay không? Qua tìm hiểu Dự thảo kỳ thi và được thầy cô giải thích, chúng em đã yên tâm...
Em thấy việc mở rộng thang điểm 20 không làm thay đổi cách làm bài của thí sinh, do đó thí sinh không có khó khăn gì thêm so với trước đây. Việc thay đổi thang điểm này hướng tới bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Với thang điểm 20, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, có lợi hơn cho HS hơn trước.
Đặc biệt là thông tin đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tiếp tục sử dụng các câu hỏi với 4 mức yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như đề thi năm 2014. Theo em thấy, đây cũng là dạng đề thi mà Bộ GD&ĐT đã cho trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ trong các năm vừa qua. Với dạng đề thi này, HS chúng em không phải quá lo lắng và không nhiều áp lực học thuộc bài như trước.
HS chúng em rất mong muốn đề thi không đặt nặng việc ghi nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn mà yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời. Đối với các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn điều làm chúng em hào hứng nhất là dạng câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội…
Em Trần Thành Hưng - HS Trường THPT Phú Thịnh (huyện Tam Bình, Vĩnh Long): Chờ đợi những đề thi mở và thời sự như năm trước
Điều HS chúng em quan tâm nhất là Kỳ thi THPT quốc gia năm nay dạng đề thi ra sao? Liệu có nhiều thay đổi so với kỳ thi trước đây hay không? Tuy nhiên sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo kỳ thi, được thầy cô giải thích, em đã yên tâm. Qua thông tin em được biết, đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Chúng em rất mong ngành GD năm nay sẽ tiếp tục có những đề thi hay và “nóng” như đề thi những năm trước. Đó là dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực của HS…
Điều mà chúng em thích nhất là đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Có như vậy mới có thể đánh giá năng lực thật sự của thí sinh chứ việc học thuộc lòng đôi khi không thể đánh giá chính xác được...
Ở thang điểm 20 em thấy rất hợp lý, thang điểm này sẽ có lợi cho HS vì tận dụng hết khả năng, sở trường để kiếm được điểm. Theo đó thí sinh dễ có điểm từng chi tiết nhỏ sẽ càng có lợi hơn khung điểm 10. Nếu như trước đây, với khung điểm 0,25 và thang điểm 10 chỉ cần 40 ý là đủ điểm thì nay cần tới 80 ý mới đạt thang điểm 20. Thí sinh mất điểm ở ý này vẫn có thể dễ dàng đạt điểm ở ý khác trong cùng một câu.
Em và các bạn đang nỗ lực học tập và nắm vững kiến thức để sẵn sàng cho Kỳ thi THPT quốc gia. Rất mong ngành GD quan tâm và tiếp tục có những hướng dẫn để thầy cô giáo và HS chúng em chuẩn bị ôn thi cũng như đăng ký môn thi và đăng ký hồ sơ vào trường ĐH, CĐ…