Phụ huynh châu Á bị cuốn trong cơn lốc học thêm

GD&TĐ - Học sinh Đông Á luôn đứng đầu trong các kì khảo sát trình độ học sinh quốc tế về toán, khoa học và đọc. Có nhiều nguyên nhân, bao gồm sự đầu tư của nhà nước cho giáo dục, truyền thống kì vọng cao về GD đối với trẻ em, đặc biệt là sự mạnh chi của phụ huynh cho học phụ đạo…

Phụ huynh châu Á bị cuốn trong cơn lốc học thêm

Không tiếc tay chi cho GD của con cái

Hàn Quốc đặc biệt nổi tiếng với các trung tâm dạy thêm tư nhân sau giờ học, được gọi là hagwon. Khi chính phủ tìm cách kiểm soát những trung tâm này như áp đặt giờ đóng cửa trước 11 giờ đêm thì nhiều giáo viên dạy thêm đơn giản là tới tận nhà “gõ đầu trẻ” bởi phụ huynh vẫn có nhu cầu cho con học thêm.

Tại Trung Quốc, cuộc đua giáo dục mở ra thị trường khổng lồ cho các nhà cung ứng dịch vụ và sản phẩm giáo dục. Theo công ty tư vấn đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs, các công ty công nghệ giáo dục tại Trung Quốc đạt lợi nhuận hơn 1,2 tỉ USD năm 2016, gấp hơn 3 lần so với năm 2014 (con số này ở Mỹ năm 2016 là 1 tỉ USD).

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Nexus Link năm 2015 cho thấy 80% hộ gia đình Singapore có con học tiểu học - chi tiền học thêm cho con; tỉ lệ này ở trung học là 60% và tiền tiểu học là 40%.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện có hàng nghìn giáo viên tự do “bơi” trong quả bong bóng dạy thêm ngoại khoá. Đứng đầu trong đội ngũ “chiến binh” này là các “siêu giáo viên” với thu nhập khổng lồ. Ít nhất có 10 người trong nhóm “siêu giáo viên” có thu nhập vượt quá 1 triệu SG$ (721.000 USD)/tháng, theo tạp chí Straits Times.

Nếu như ở nhiều quốc gia, bùng nổ học thêm được cho là do hệ thống GD công lập không cung cấp đủ kiến thức thì với Singapore lại khác.

Theo các chuyên gia GD Singapore thì cuộc đua tranh của phụ huynh cho con vào trường tốt ở cấp học cao hơn là nguyên nhân chính dẫn khiến ngành công nghiệp dạy thêm tăng trưởng thần kì. Bên cạnh đó, Singapore có ít tài nguyên tự nhiên và chủ yếu dựa vào nguồn lực con người để cạnh tranh trên trường quốc tế…

Cuộc đua của phụ huynh

Theo thống kê của Công ty Công nghệ giáo dục EdSurge, chi tiêu của hộ gia đình châu Á cho học phụ đạo chiếm khoảng 15% tổng thu nhập. Tỉ lệ này ở Mỹ chỉ khoảng 2%.

Khoản chi cho phụ đạo của phụ huynh châu Á nhiều hơn các khoản chi thiết yếu khác như thực phẩm, nhà cửa và y tế. Trong khi tại Mỹ người dân chi khoảng 12% thu nhập cho mua xe hơi và gas.

Global Industry Analysts, Công ty Nghiên cứu thị trường quốc tế uy tín, ước tính ngành công nghiệp dạy thêm toàn cầu sẽ đạt mức 200 tỉ USD vào năm 2020, với khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng ở mức 10,7% mỗi năm trong 10 năm tới.

Còn theo tờ Financial Times, hơn 70% học sinh trong độ tuổi THCS tại Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc đi học thêm tại trung tâm dạy thêm, một số giáo viên dạy thêm có thu nhập lên tới 8 triệu USD/năm.

Nhiều quốc gia châu Á đang tìm cách lèo lái con thuyền giáo dục tránh khỏi dòng xoáy thi cử bằng cách hướng tới giáo dục những kĩ năng như sáng tạo, tư duy độc lập, làm việc nhóm.

Chính phủ Singapore mở chiến dịch tuyên truyền lớn trong xã hội nhấn mạnh rằng con người phát triển tốt không chỉ dựa vào kết quả thi. Tại Trung Quốc, nuôi dưỡng khả năng tư duy của học sinh được nêu rõ trong Kế hoạch quốc gia 5 năm 2016 - 2020…

Theo một số chuyên gia thì phụ huynh là những rào cản lớn nhất trong quá trình thay đổi phương thức giáo dục của các chính phủ. Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của phụ huynh vì vậy cũng quan trọng không kém việc đổi mới giáo dục theo hướng giảm thi cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.